vĐồng tin tức tài chính 365

Nhiều giải pháp được đưa ra để gỡ khó cho thị trường, các chuyên gia nhận định gì?

2023-03-16 09:41

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, chuyên gia đánh giá, những giải pháp gần đây như Nghị định 08 liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay việc hạ nhiệt lãi suất cũng như thúc đẩy đầu tư công… đều những giải pháp quan trọng giúp hỗ trợ cho các doanh nghiệp và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên về dài hạn, vẫn cần có thêm nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để giúp tháo gỡ những khó khăn và thách thức của thị trường và nền kinh tế.

Cùng BTV Mùi Khánh Ly trao đổi với các khách mời xung quanh câu chuyện này.

Nhiều giải pháp được đưa ra để gỡ khó cho thị trường, các chuyên gia nhận định gì? - Ảnh 1.

BTV Mùi Khánh Ly: Như ông bà cũng đã thấy nhiều giải pháp được đưa ra giúp tháo gỡ phần nào những khó khăn cho doanh nghiệp, gần đây nhất là sự ra đời của Nghị định 08 liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông bà đánh giá như thế nào về nghị định này?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT:

Theo ước tính của tôi, trong năm 2023, sẽ có khoảng hơn 250 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn và 63% trong đó sẽ được đáo hạn trong thời điểm là quý 2 và quý 3 sắp tới. Có nghĩa, giai đoạn 6 tháng tới là một giai đoạn khá thử thách. Vì vậy, việc Nghị định 08 được ban hành ở thời điểm này khá là cấp thiết và quan trọng để tạo cơ sở pháp lý cho việc tháo gỡ một số vướng mắc còn hiện hữu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo ra hành lang pháp lý để các tổ chức phát hành có cơ sở thỏa thuận điều chỉnh một số điều khoản liên quan đến trái phiếu. Thứ hai nữa là cho phép các tổ chức phát hành có thể thanh toán, có thể thực hiện các nghĩa vụ thanh toán bằng các tài sản hợp pháp khác. Trước đây, một số doanh nghiệp đã tự thực hiện việc đàm phán với trái chủ, tuy nhiên, do chưa có cơ sở pháp lý cụ thể, việc đàm phán vẫn diễn ra khá khó khăn và tỷ lệ thành công rất thấp. Trong bối cảnh mà các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền như hiện nay thì rõ ràng, Nghị định 08 đưa ra một số giải pháp khả thi, giúp cho doanh nghiệp có cơ hội lựa chọn.

Về ngắn hạn, Nghị định 08 sẽ hỗ trợ cho việc bình ổn tâm lý của thị trường và tất nhiên đây là những tín hiệu tích cực bước đầu. Tuy nhiên, về lâu dài, thị trường cần phải chờ đợi nhiều giải pháp đồng bộ hơn từ phía cơ quan quản lý cũng như từ chính bản thân doanh nghiệp. Liệu khả năng thanh toán của các doanh nghiệp hiện nay như thế nào, đây vẫn còn là dấu hỏi. Vì hiện nay, theo cập nhật của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), danh sách các doanh nghiệp đang chậm các nghĩa vụ thanh toán ngày càng nhiều lên. Con số hiện nay rơi vào khoảng gần 50 doanh nghiệp và chúng tôi ước tính 50 doanh nghiệp này có dư nợ trái phiếu hiện nay rơi vào khoảng gần 120 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống, đồng thời có gần 38 nghìn tỷ đồng của nhóm các doanh nghiệp này sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 15% tổng số giá trị đáo hạn của cả thị trường trong năm 2023.

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Vương Quốc Anh:

Chúng ta thấy là Nghị định 08 có được ba điểm nổi bật trong điều chỉnh. Thứ nhất là nghị định này tạo ra một hành lang pháp lý, qua hành lang pháp lý đó, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể đàm phán lại với trái chủ trong trường hợp gặp khó khăn về thanh toán. Điểm thứ hai là nghị định này tạo ra một hành lang pháp lý để hoán đổi trái phiếu thành tài sản khác, ví dụ như là bất động sản hoặc một số loại tài sản khác của doanh nghiệp, hoặc đầu tư vào dự án. Với hành lang pháp lý mới này của nghị định, rõ ràng nhà đầu tư cũng được bảo vệ hơn tại vì chúng ta có có quy định rõ ràng là nhà đầu tư, nếu không chấp nhận thỏa thuận như vậy của doanh nghiệp thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ như bình thường.

Điều cuối cùng là nghị định đã giãn hoặc hoãn thực hiện một số quy định tương đối chặt chẽ trước đây đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và nhà đầu tư vào thị trường này, như phải đáp ứng nhà đầu tư chuyên nghiệp hay việc doanh nghiệp phải có xếp hạng tín nhiệm… Nhưng nếu nhìn về dài hạn, tôi nghĩ rằng sẽ cần phải có nhiều những tháo gỡ vướng mắc khác về mặt pháp lý cũng như về điều kiện thị trường.

BTV Mùi Khánh Ly: Bên cạnh đó, các giải pháp như thúc đẩy xây dựng nhà ở xã hội, thúc đẩy đầu tư công… cũng đang được triển khai để hỗ trợ cho nền kinh tế. Theo ông bà, những biện pháp này sẽ hỗ trợ như thế nào cho thị trường?

Nhiều giải pháp được đưa ra để gỡ khó cho thị trường, các chuyên gia nhận định gì? - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT:

Tôi cho rằng, đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng bậc nhất hiện nay. Trong ngắn hạn, đầu tư công sẽ giúp cho nguồn vốn được lưu thông vào nền kinh tế và đầu tư công cũng thực sự là một cứu cánh cho một số phân khúc thuộc chuỗi giá trị của bất động sản, chẳng hạn như là cho nhóm nguyên vật liệu xây dựng hay nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Về dài hạn thì đầu tư công sẽ tạo ra giá trị thật cho các tài sản bất động sản hiện nay và một mặt khác, việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông sẽ tạo điều kiện hơn cho các thành phố cấp hai. Từ đó có thể hạ nhiệt được một vài điểm nóng ở thị trường bất động sản tại một số thành phố lớn. Tuy nhiên, có thể nói việc thúc đẩy đầu tư công thì không phải có thể hiện thực hóa được ngay, mà đầu tư công vẫn là một giải pháp mang tính dài hạn hơn. Còn về việc xây dựng nhà ở xã hội thì rõ ràng là cơ cấu sản phẩm bất động sản hiện nay của chúng ta đang chưa hợp lý, khi mà tỷ trọng nhà ở phân khúc trung cấp, cao cấp và đất nền đang chiếm tỷ trọng rất lớn. Trong hai năm gần đây, nguồn cung nhà ở xã hội chỉ chiếm khoảng dưới 10%. Mặc dù đây là một phân khúc có tính thanh khoản cao cũng như là có nhu cầu thực, nhưng rõ ràng là cơ cấu của chúng ta chưa đáp ứng được. Vì vậy, việc tập trung phát triển nhà ở xã hội cũng là một giải pháp hợp lý. Nhưng hiện nay, khá nhiều dự án nhà xã hội vẫn còn đang gặp vướng mắc về vấn đề pháp lý, mặc dù đã được phê duyệt rồi nhưng vẫn chưa đưa ra thị trường được.

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Vương Quốc Anh:

Về dài hạn, đó là những hướng đi đúng đắn, có thể nói là nắn dòng vốn vào các khu vực nhà ở xã hội và làm giảm bớt sự chênh lệch giữa cung cầu về nhu cầu ở thực tế. Đầu tư công cũng như nguồn tín dụng cho nhà ở xã hội sẽ giúp nguồn tiền thực có thể đi vào thị trường, tuy nhiên, nguồn tiền từ đầu tư công và từ nhà ở xã hội, từ tín dụng cho xã hội sẽ cần một khoảng thời gian dài hơi để đưa được ra thị trường. Như vậy, trong ngắn hạn, cần có những giải pháp đồng thời khác để bơm dòng tiền thật sự vào thị trường. Dòng tiền đó thì tự thân doanh nghiệp phải xoay được hoặc là có những giải pháp như xây dựng hoặc tiến hành các dự án.

BTV Mùi Khánh Ly: Vâng, một mối quan tâm nữa của thị trường đó là lãi suất. Hiện, cơ quan quản lý cũng đã đưa ra giải pháp giúp mặt bằng lãi suất trong nước có phần hạ nhiệt, nhưng liệu các doanh nghiệp đã dễ dàng tiếp cận nguồn vốn trong bối cảnh hiện nay chưa, thưa ông bà?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT:

Tôi cho rằng, động thái hàng loạt các ngân hàng thương mại cắt giảm lãi suất trong thời gian gần đây là một trong những dấu hiệu khá tích cực và nó phản ánh những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc hạ nhiệt lãi suất hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những yếu tố như áp lực tỷ giá hay thanh khoản cũng có dấu hiệu giảm bớt, sẽ hỗ trợ cho việc giảm lãi suất trong dài hạn. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong nửa đầu năm 2023, vẫn còn khá nhiều rủi ro khi mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ dự kiến vẫn sẽ tiếp tục nâng lãi suất lên mức 5,25 cho đến 5,5%. Tôi nghĩ, phải bước sang nửa sau của năm 2023, bức tranh kinh tế sẽ trở nên sáng sủa hơn. Và tôi lạc quan hơn về câu chuyện lãi suất nửa sau của năm 2023 do Cục Dự trữ liên bang Mỹ dự kiến sẽ ngưng việc tăng lãi suất và dự trữ ngoại hối của chúng ta cũng đã cải thiện lên một mức cao hơn so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý là mặc dù lãi suất trong nước đang có xu hướng đảo chiều, nhưng trung bình lãi suất của cả năm 2023 vẫn đang ở một mức nền khá cao, hơn năm 2022. Hiện nay, mức lãi suất huy động sẽ rơi vào khoảng từ 8 cho đến 9% và trung bình mức này là cao hơn khoảng 200 điểm cơ bản so với năm ngoái.

Nhiều giải pháp được đưa ra để gỡ khó cho thị trường, các chuyên gia nhận định gì? - Ảnh 3.

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Vương Quốc Anh:

Câu chuyện lãi suất không chỉ là mối quan tâm của Việt Nam mà của toàn thế giới hiện nay. Như chúng ta đã thấy ở Mỹ, lạm phát sau một quá trình giảm xuống, nó bắt đầu chững lại quá trình giảm xuống đó, do vậy FED đã đưa ra quan điểm mới là có thể FED sẽ phải tăng lãi suất lớn hơn, thì rõ ràng dự kiến lãi suất còn tăng cao hơn nữa. Và chúng ta cũng thấy một vài ngân hàng trung ương như ECB họ đã đưa ra quan điểm nâng lãi suất lên trên 4% hướng tới 4,5-5%, tức là mặt bằng lãi suất dự kiến sẽ cao hơn. Quan trọng hơn nữa là nó sẽ kéo dài hơn.

Ở Việt Nam hiện nay, nói chung là thị trường vốn của chúng ta liên thông với thị trường quốc tế chặt chẽ hơn. Cho nên, khi mà lãi suất USD ở thị trường quốc tế tăng lên như vậy và lãi suất các đồng khác cũng tăng lên thì khả năng để Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất chính sách cũng như kéo lãi suất trong nước đi xuống thì vẫn còn dư địa, nhưng không đủ lớn để có thể kéo lãi suất xuống mức mà doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn dồi dào ngay được.

BTV Mùi Khánh Ly: Với những phân tích ở trên, theo ông bà, những giải pháp được đưa ra đã đủ để tháo gỡ những khó khăn và thách thức chung trên thị trường của nền kinh tế hay chưa?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT:

Tôi cho rằng ngoài yếu tố lãi suất mang tính chất tác động ngắn hạn thì những giải pháp như Nghị định 08 đưa ra hay là thúc đẩy đầu tư công, mang tính chất là tiền đề, căn cơ và cho dài hạn nhiều hơn. Một số những vấn đề mà thị trường vẫn đang quan tâm thì vẫn còn đó, ví dụ như khả năng thanh toán các nghĩa vụ liên quan đến trái phiếu của các doanh nghiệp như thế nào? Thứ hai là việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản hiện nay ra sao? Do đó, tôi cho rằng thị trường đang chờ đợi những giải pháp mang tính chất quyết liệt, mạnh mẽ hơn và đồng bộ hơn từ cơ quan quản lý, cũng như từ chính các doanh nghiệp.

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Vương Quốc Anh:

Chúng ta có thể hình dung câu chuyện như này, chúng ta đang có một người bệnh đưa vào phòng cấp cứu, thì những giải pháp đã đưa ra về mặt chính sách đóng vai trò là bác sĩ và đã tiến hành cấp cứu xong. Như vậy, ít nhất là chúng ta đã ở trong trạng thái làm cho bệnh nhân sống lại nhưng chúng ta chưa chữa được hết bệnh cho bệnh nhân và căn bệnh này có thể tái phát bất kỳ lúc nào. Nếu muốn chữa bệnh, chúng ta phải có những giải pháp căn cơ hơn.

BTV Mùi Khánh Ly: Vậy theo ông bà, đâu là những giải pháp trọng tâm và đủ mạnh mẽ để giải quyết nút thắt cho thị trường và nền kinh tế hiện nay?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT:

Tôi cho rằng, thị trường đang chờ đợi một số giải pháp mang tính chất quyết liệt hơn từ phía cơ quan quản lý cũng như chính bản thân doanh nghiệp. Thứ nhất là doanh nghiệp cần phải rõ ràng hơn trong việc là công bố thông tin, cũng như là đưa ra một lộ trình tái cấu trúc cụ thể. Điều này sẽ góp phần củng cố được niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu của chính doanh nghiệp đó. Thứ hai nữa là mong rằng cơ quan quản lý sẽ nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý đối với hàng loạt các dự án bất động sản đang bị đình chỉ hiện nay, điều này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho để thu về dòng tiền. Điểm quan trọng thứ ba là từ những bài học xử lý khủng hoảng tín dụng bất động sản ở các nước trong khu vực như là Trung Quốc hay Hàn Quốc thì tôi cho rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận lại nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để giải quyết những nghĩa vụ thanh toán trong ngắn hạn là một vấn đề hết sức là quan trọng. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, khi mà khủng hoảng bất động sản nổ ra vào tháng 7/2022 thì tháng 11/2022, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra 11 biện pháp với các biện pháp nổi bật như là cắt giảm lãi suất, nới "room" tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản và đặc biệt là hoãn thời hạn thanh toán nợ lãi vay của các doanh nghiệp bất động sản đến một năm. Và điều này cũng đã mang lại một số kết quả đối với thị trường bất động sản Trung Quốc, chẳng hạn như là tháng 2 vừa qua thì doanh thu bất động sản của Trung Quốc tăng 15% và đánh dấu đây là tháng đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng dương kể từ tháng 6/2021.

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Vương Quốc Anh:

Giải pháp rõ ràng nhất của nền kinh tế hiện nay, đó là chúng ta đang có một sự tắc nghẽn nguồn vốn của nền kinh tế do lãi suất đang ở mức cao và bây giờ chúng ta cần nguồn vốn thứ hai để kích thích nền kinh tế, đó là đầu tư công. Khi đầu tư công đưa ra thì sẽ thúc đẩy nhiều khu vực kinh tế. Có vốn đầu tư công đẩy ra, ngân hàng cũng tự tin hơn trong các khoản cho vay. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ở Việt Nam bị đánh giá là chậm. Như vậy, không chỉ là vấn đề thúc đẩy dự án đầu tư công trên giấy tờ mà chúng ta cần phải giải ngân đạt đủ mục tiêu đề ra.

Yếu tố tiếp theo là hiện nay là rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn và chúng ta thấy có những nhà máy đang sa thải công nhân… Như vậy, vấn đề là doanh nghiệp họ có thể chống chịu đến khi nào và họ có nhận được đơn hàng mới hay không? Cho nên, chúng ta phải có một chính sách riêng hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu để họ có thể chống chịu qua giai đoạn khó khăn này. Giải pháp này cũng được xem là chính sách hỗ trợ chung cho nền kinh tế đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta. Bên cạnh đó, cần sớm tháo gỡ pháp lý cho các dự án đang bị đình lại, giúp doanh nghiệp có cơ sở để họ đàm phán lại với các nhà đầu tư về vấn đề gia hạn nợ hay giảm nợ…

BTV Mùi Khánh Ly: Xin cảm ơn ông bà về những thông tin trên!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.98063443241303202-ig-hnid-nahn-aig-neyuhc-cac-gnourt-iht-ohc-ohk-og-ed-ar-aud-coud-pahp-iaig-ueihn/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhiều giải pháp được đưa ra để gỡ khó cho thị trường, các chuyên gia nhận định gì?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools