Trong năm 2023, TP.HCM sẽ tập trung thực hiện 20 chương trình sức khỏe
Ngày 24-7, UBND TP.HCM cho biết đã có văn bản khẩn về kế hoạch thực hiện đề án phát triển y tế cộng đồng thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân TP trong năm 2023.
Theo đó, trong năm 2023 sẽ tập trung vào 20 chương trình sức khỏe trọng tâm bao gồm: chương trình dinh dưỡng; phòng chống tác hại rượu, bia; phòng chống tác hại thuốc lá; chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm; chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng…
Đặc biệt là Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong năm 2023 sẽ mua và cung ứng vật tư tiêm chủng đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho trẻ em, phụ nữ có thai, nữ giới trong độ tuổi sinh đẻ… Đồng thời, triển khai các chiến dịch tiêm bổ sung, tiêm bù đảm bảo độ bao phủ phòng bệnh cho trẻ.
Cũng trong năm 2023, thành phố sẽ triển khai khảo sát nhu cầu của người cao tuổi và thân nhân về viện dưỡng lão, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm huy động sự tham gia của toàn thể xã hội. Thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Gần 678.000 lượt xe trượt đăng kiểm trong hai quý 2023
Theo tin tức từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, hai quý đầu năm 2023, các đơn vị đăng kiểm trên cả nước đã kiểm định gần 2,9 triệu lượt phương tiện.
Trong đó, hơn 2,2 triệu lượt phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, gần 678.000 lượt phương tiện không đạt phải bảo dưỡng, sửa chữa, điều chỉnh để kiểm định lại.
Về kiểm tra chất lượng xe cơ giới nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp 6 tháng đầu năm 2023, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiểm tra cấp giấy chứng nhận chất lượng xe nhập khẩu cho gần 65 triệu ô tô, rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc, hơn 30.000 mô tô, xe máy và gần 15.000 xe máy chuyên dùng nhập khẩu.
Có 530 kiểu loại ô tô, rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc; 683 kiểu loại linh kiện ô tô; 109 kiểu loại xe mô tô, xe máy và 6 kiểu loại xe đạp điện sản xuất; 448 kiểu loại linh kiện mô tô, xe máy sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu được cấp giấy chứng nhận kiểu loại.
6 tháng đầu năm khách quốc tế qua đường hàng không tăng mạnh
Theo Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm, tổng thị trường hành khách ước đạt 34,7 triệu khách, tăng 49,6% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, khách quốc tế đạt 14,7 triệu khách, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ 2022, bằng 73,5% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên đến tháng 7 tổng lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam mới chỉ đạt 10%, khách Nhật đạt 54% so với 2019.
Riêng khách Hàn Quốc khá hơn, đạt 80% do khách công vụ nhiều và phục hồi hoàn toàn, lượng khách du lịch vẫn thấp. Khả quan nhất là khách Ấn Độ (tăng gần gấp đôi), khách Úc (tăng hơn 10%) và khách Mỹ (hơn 10%).
Khách nội địa đạt 20 triệu khách, giảm 3,4% so với cùng kỳ 2022 nhưng tăng 8,1% so với cùng kỳ 2019. Tổng thị trường hàng hóa ước đạt 483.000 tấn, giảm 26% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, hàng hóa quốc tế đạt 405.000 tấn, giảm 30% so với cùng kỳ 2022. Hàng hóa nội địa đạt 77.600 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ 2022.
Hà Nội: Sốt xuất huyết tăng 4 lần so với cùng kỳ 2022
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua Hà Nội có thêm 442 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 1,5 lần so với tuần trước đó) và 19 ổ dịch tại 11 quận, huyện.
Tính từ đầu 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.556 ca (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 91 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 40 ổ dịch đang hoạt động.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây, một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài. Kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy một số tồn tại như xử lý chưa triệt để, chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, tỉ lệ phun hóa chất chưa đạt yêu cầu.
CDC Hà Nội cũng nhận định số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng gia tăng, xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại khu vực ổ dịch cũ, xã phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Theo bác sĩ Trần Thị Kim Anh - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Hà Đông - ghi nhận ban đầu cho thấy sốt xuất huyết gần đây diễn biến phức tạp hơn, số ca chuyển nặng nhiều. Trong đó có một số trường hợp không có triệu chứng rõ ràng, người bệnh không sốt, chỉ viêm họng nhưng kết quả xét nghiệm lại dương tính với vi rút Dengue.
Tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đến "giờ chót" trình Quốc hội
Chiều 24-7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo, đại diện một số bộ, ngành, hiệp hội về tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Nhấn mạnh tinh thần tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đến "phút cuối cùng", Phó thủ tướng đề nghị cuộc họp tập trung trao đổi những vấn đề mới, mang tính đột phá, nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Trong đó, các đại biểu tập trung thảo luận về quy định lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm ở cấp huyện. Tiêu chí xác định quy mô, tầm quan trọng của dự án để áp dụng phương thức đấu giá hay đấu thầu quyền sử dụng đất. Yêu cầu đặt ra đối với công tác định giá đất…
Đáng chú ý, các đại biểu thống nhất cao với kiến nghị không đưa các phương pháp định giá đất trong dự thảo luật, mà cần căn cứ vào các trường hợp cụ thể để áp dụng phương pháp phù hợp bảo đảm xác định giá trị đất đai sát với thực tiễn.
Đồng tình với các ý kiến đóng góp về quy định liên quan đến phương pháp định giá đất, Phó thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của việc thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu đầu vào cho các phương pháp định giá đất.
"Việc áp dụng các phương pháp định giá tùy thuộc vào từng trường hợp, tình huống khác nhau. Tuy nhiên, nếu số liệu đầu vào chính xác thì áp dụng phương pháp nào cũng sẽ cho ra kết quả như nhau. Đây là mục tiêu, yêu cầu chúng ta cần hướng đến khi triển khai Luật Đất đai sửa đổi", Phó thủ tướng nói.
Một số tin tức đáng chú ý: Giá mãng cầu xiêm tăng đột biến; Sở Y tế TP.HCM kiến nghị triển khai app Cổng 115; Lắp camera phạt xả rác kênh rạch...