vĐồng tin tức tài chính 365

Vụ "bán thuốc trị nám, chiếm đoạt 100 tỷ đồng": Khách hàng sập bẫy như thế nào?

2023-07-25 14:46

Mắc bẫy thuốc dỏm

Ngày 24/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết đang mở rộng chuyên án để làm rõ hành vi của các đối tượng trong đường dây bán thuốc trị nám, lừa đảo chiếm đoạt của nhiều người trên cả nước với số tiền hơn 100 tỷ đồng. Trước đó, đầu tháng 6/2023, chị N.T.T (SN 1988, trú H.Thạch Hà) đến Công an H.Thạch Hà trình báo: tháng 8/2022, chị nhắn tin cho trang Facebook "Bà Nhàn Tặng Ưu Đãi Trị Nám Tết Quý Mão" để hỏi mua thuốc trị nám. Sau khi thỏa thuận giá cả, T. mua 6 đơn hàng với tổng số tiền 16 triệu đồng.

Đầu tháng 4/2023, chị T. nhận được điện thoại của một người tự giới thiệu là nhân viên công ty bán thuốc trị nám trước đó, hỏi sử dụng sản phẩm thuốc trị nám thấy thế nào? Khi nghe chị T. nói thuốc mua về dùng nhưng không có hiệu quả, đối tượng hứa công ty sẽ hoàn lại tiền. Sau đó, tài khoản Zalo có tên "Đình Phong", "Anh Giám Đốc" liên tục gọi cho chị T. nói rằng đang làm hồ sơ "bảo hành" vì nghe phản ánh về chất lượng thuốc.

Ngô Duy Khánh tại cơ quan điều tra

Theo đó, các đối tượng yêu cầu chị T. chuyển tiền phí làm hồ sơ vào nhiều số tài khoản khác nhau với tổng số tiền gần 117 triệu đồng. Thế nhưng, chị T. không nhận được tiền bồi thường sản phẩm nên đến Công an H.Thạch Hà trình báo sự việc. Công an H.Thạch Hà tiến hành xác minh để điều tra làm rõ. Qua đó xác định, ngoài chị N.T.T, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh còn có 4 người khác cũng bị nhóm đối tượng dùng thủ đoạn tương tự lừa chiếm đoạt 500 triệu đồng.

Công an H.Thạch Hà đã báo cáo vụ việc lên lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh. Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, Công an H.Thạch Hà phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xác lập chuyên án để đấu tranh triệt phá.

Lập công ty và nhiều chi nhánh để lừa đảo

Sau thời gian vào cuộc điều tra, Ban chuyên án phát hiện đường dây lừa đảo bán thuốc trị nám núp bóng dưới vỏ bọc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh (trụ sở tại 110 Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP.Hà Nội). Công ty này do Ngô Duy Khánh (SN 1995, trú xã Tam Thanh, H.Vụ Bản, tỉnh Nam Định) làm Tổng giám đốc.

Lấy lời khai các đối tượng

Từ cuối năm 2021 đến nay, Khánh lập thêm 8 chi nhánh hoạt động trên toàn quốc, tuyển 7 đối tượng, gồm: Nguyễn Thị Huyền Thương (SN 1997, trú Nghệ An), Trần Văn Lộc (SN 1993, trú Thái Nguyên), Vũ Nhật Nam (SN 2002, trú Nam Định), Nguyễn Đức Toàn (SN 2000, trú Phú Thọ), Phạm Thị Mến (SN 1996, trú Lào Cai), Thiều Thu Thảo (SN 2000, trú Phú Thọ) và Nguyễn Lan Anh (SN 1997, trú TP.Hà Nội) về làm phó tổng giám đốc. Mỗi chi nhánh có từ 10 đến 15 nhân viên, chuyên kinh doanh các sản phẩm chức năng và chăm sóc sắc đẹp.

Để hoạt động lừa đảo, Khánh và đồng bọn giả mạo thương hiệu thuốc trị nám bà Nhàn rồi chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội để rao bán; đồng thời chia nhân viên làm việc chủ yếu ở 2 bộ phận gồm: kinh doanh và chăm sóc khách hàng. Theo đó, bộ phận kinh doanh chịu trách nhiệm chạy quảng cáo sản phẩm "Thuốc trị nám bà Nhàn" trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Youtube. Khi có người liên hệ hỏi mua, nhân viên sẽ xin số điện thoại rồi đẩy vào trang web quản lý thông tin đơn hàng có địa chỉ winmax1.com. Sau đó, bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ gọi điện tự giới thiệu là "Bà Nhàn" hoặc nhân viên trị nám của trung tâm trị nám bà Nhàn tư vấn cho khách hàng theo các kịch bản được công ty chuẩn bị sẵn.

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo

Nhiệm vụ của nhân viên là tư vấn để khách mua nhiều sản phẩm, nhiều liệu trình nhất có thể, từ đó tăng doanh số bán hàng. Sau khi khách mua sản phẩm một thời gian, Khánh chỉ đạo nhân viên hỏi han về hiệu quả sản phẩm. Khi nghe khách phàn nàn, các đối tượng sẽ giở trò cam kết "bảo hành" và yêu cầu khách cung cấp thông tin để làm hồ sơ. Quá trình này, các đối tượng cung cấp nhiều số tài khoản ngân hàng được mua trôi nổi trên mạng, yêu cầu khách chuyển tiền vào để hoàn thiện hồ sơ, sớm được trả lại tiền. Khi thấy khách chuyển tiền, bọn chúng tiếp tục đưa ra nhiều lý do để họ tin rằng mình đang làm hồ sơ "bảo hành".

Trong những số tài khoản cung cấp cho khách chuyển tiền, các đối tượng luôn kèm cả số tài khoản của những bưu tá mà chúng đã tìm hiểu và biết từ trước. Mỗi lần khách chuyển tiền, nhân viên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh cũng sẽ tạo COD một đơn hàng (đơn hàng thanh toán xong mới nhận) về địa chỉ gần nơi bưu tá làm việc. Tiếp đến, chúng giới thiệu khách liên hệ với bưu tá, nói rằng số tiền vừa chuyển vào tài khoản là để thanh toán tiền đơn hàng. Như vậy, số tiền "bảo hành" mà nhân viên tư vấn lừa khách hàng được hợp thức hóa thành các đơn hàng của Công ty Khang Thịnh.

Với thủ đoạn tinh vi trên, từ đầu năm 2022 đến nay, Ngô Duy Khánh cùng đồng bọn đã lừa đảo hàng nghìn người sinh sống ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước và chiếm đoạt tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng. Ngày 28/6, Ban chuyên án phối hợp với Công an phường Mộ Lao huy động 80 cán bộ, chiến sĩ phong tỏa Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh tại Hà Nội. Công an đã làm việc với 35 đối tượng, thu giữ 105 điện thoại, 42 máy tính, phong tỏa 16 tài khoản ngân hàng cùng nhiều tang vật liên quan.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Thạch Hà đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 16 đối tượng, bắt tạm giam Ngô Duy Khánh và 7 phó tổng giám đốc công ty.

Bán thuốc trị nám qua mạng, chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng
(CATP) Sau khi khách mua thuốc trị nám một thời gian, nhân viên chăm sóc khách hàng liên hệ thông báo công ty sẽ hoàn lại tiền nếu thuốc sử dụng không có hiệu quả. Tiếp đó, các đối tượng yêu cầu khách phải đóng nhiều khoản phí để được hoàn lại tiền rồi chiếm đoạt. Với thủ đoạn tinh vi của bọn lừa đảo, hàng ngàn người đã bị "sập bẫy".
 
Văn Tình

Xem thêm: lmth.962051_gnah-hcahk-oad-aul-mahp-nas-hnah-oab-ueihc-gnud/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:Vụ án

“Vụ "bán thuốc trị nám, chiếm đoạt 100 tỷ đồng": Khách hàng sập bẫy như thế nào?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools