Nhà bà Bốn nằm sâu trong khu làng chài, thay vì vẻ buồn vắng thường ngày, hôm nay các anh bộ đội biên phòng và các chị trong Hội Liên hiệp phụ nữ xã đến đây nấu bữa cơm khiến gian nhà trở nên rộn ràng.
Bữa cơm đầy tình thương
Vừa đến nơi, các chị trong Hội Liên hiệp phụ nữ liền đi chợ sớm để làm những món mà bà Bốn thích ăn. Còn các anh bộ đội biên phòng Nhơn Lý lại xắn tay người thì quét sân, người sửa lại mái nhà cho bà.
Dù chân đau nhưng thấy có người đến, bà Bốn lại đi ra đi vào muốn giúp sức.
Bà Bốn là người có công cách mạng, từng bị tù đày. Theo lời em trai bà là ông Lê Văn Phong (75 tuổi) kể lại, bà bị giam giữ ở nhà tù Tuy Phước, chịu mọi sự tra khảo nhưng vẫn một lòng kiên trung với cách mạng.
"Chồng chị thì mất, đứa con trai duy nhất của chị khi làm việc tại nước ngoài bị tai nạn qua đời. Chị sống một mình suốt mấy năm nay, lại hay ốm đau bệnh tật. Tôi tuy ở gần nhưng không thể túc trực thường xuyên. Có các đoàn đến thăm, nấu cơm, tặng quà giúp chị tôi bớt buồn. Tôi vui quá!", ông Phong nói.
Chị Bùi Thị Thanh Hiền - chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nhơn Lý - cho hay "Bữa cơm tri ân" được duy trì suốt 5 năm qua. Mỗi dịp lễ, Tết hay ngày 27-7 thì Hội Liên hiệp phụ nữ xã và Đồn biên phòng xã Nhơn Lý phối hợp tổ chức hoạt động này.
"Mỗi đợt sẽ chọn ra một đến hai trường hợp các cô, các chú là gia đình chính sách, người có công cách mạng, thương binh sống neo đơn để chúng tôi đến thăm và làm bữa cơm thân mật. Toàn bộ kinh phí sẽ do hội vận động", chị Hiền nói.
"Nếu có nhiều thời gian hơn chúng tôi còn muốn nhân rộng hoạt động này thành hằng quý, hằng tháng. Nhìn các cô, các bác vui chúng tôi cũng vui theo.
Có trường hợp khi nấu bữa cơm cho một cô trong xã, cô vui đến mức gọi điện cho con gái để khoe có đoàn đến thăm, thế là cô con gái chạy tức tốc về nhà thấy chúng tôi ngồi quây quần bên mâm cơm với bà thì cả hai mẹ con đều xúc động", vừa xới cơm vừa gắp thức ăn cho bà Bốn, chị Hiền tâm sự.
"Tội chúng nó quá, tôi chẳng biết nói gì"
Dù lúc nhớ lúc quên, nhưng khi thấy những cử chỉ ân cần của mọi người dành cho mình, bà Bốn vội kéo tà áo lau nước mắt.
"Tội chúng nó quá, tôi chẳng biết nói gì hơn bây giờ. Đồ ăn nhiều quá sao ăn hết đây", bà Bốn nói.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Nghị - chính trị viên phó Đồn biên phòng Nhơn Lý - cho hay: "Thông qua tổ chức bữa cơm thế này, thành viên trong đoàn xuống trực tiếp từng nhà nắm bắt hoàn cảnh từng gia đình, từ đó có những giúp đỡ cụ thể và sẻ chia kịp thời. Sắp tới sẽ nhân rộng hoạt động này đối với 3 xã ở TP Quy Nhơn, 4 xã ở huyện Tuy Phước. Đồng thời đơn vị cũng sẽ duy trì các hoạt động hỗ trợ thường xuyên khác".
Tại các đồn biên phòng tỉnh Bình Định còn có mô hình "Mỗi tuần giúp đỡ một hộ nghèo khu vực biên giới biển". Đây là một mô hình nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, gia đình neo đơn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh. Mỗi tuần các đơn vị sẽ giúp đỡ một hộ, bằng giúp ngày công lao động, sửa chữa nhà, dọn vệ sinh môi trường; vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí. Góp phần cải thiện cuộc sống người dân, tăng cường sự gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ với nhân dân.
Một nhà bia tưởng niệm 13 liệt sĩ hi sinh khi đang làm nhiệm vụ cứu nạn trong vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 đã được xây dựng ngay tại nơi mà các anh đã nằm xuống.