Liên quan phản hồi đề nghị của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an về việc tạm dừng giao dịch khu đất số 132 Bến Vân Đồn (quận 4) của UBND TP.HCM, Tuổi Trẻ Online đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Lễ - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Phú Mỹ Hưng, chủ đầu tư dự án.
Việc cấp sổ hồng cho cư dân tại 132 Bến Vân Đồn sẽ "đứng hình"?
Theo ông Lễ, khi dự án được xây dựng trên khu đất bảo đảm đúng quy định pháp luật, vào năm 2018, Công ty cổ phần đầu tư Phú Mỹ Hưng (gọi tắt công ty) đã mua lại dự án từ Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Vĩnh Hội theo giá thị trường.
Việc bán các căn hộ tại dự án đúng quy định, dự án cũng được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM xác nhận đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.
"Còn quá trình Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) thoái vốn và sai phạm ra sao hoàn toàn không liên quan đến công ty chúng tôi...", ông Lễ nói.
Về việc cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng tạm dừng giải quyết việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp quyền sử dụng đất… đối với khu đất 132 Bến Vân Đồn, ông Lễ cho rằng sẽ ảnh hưởng đến tiến trình làm sổ hồng cho cư dân dự án mà công ty đang xúc tiến.
"Công ty chúng tôi và hàng trăm cư dân mua căn hộ là bên ngay tình, theo đúng giá thị trường, có đầy đủ giấy tờ pháp lý về dự án. Việc dừng giao dịch không khéo sẽ khiến cư dân phản ứng gay gắt thêm", ông Lễ nói.
Cư dân hoang mang
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều cùng ngày, các cư dân tại dự án 132 Bến Vân Đồn (tên thương mại Millennium) cho biết rất hoang mang.
Ông T.T.D. cho biết năm 2018 ông mua căn hộ tại tầng 20 từ Công ty cổ phần đầu tư phát triển Vĩnh Hội. Sau đó dự án được chuyển sang cho Công ty cổ phần đầu tư Phú Mỹ Hưng. Cuối 2018, sau khi đã nộp 95% giá trị căn hộ, ông được Công ty Phú Mỹ Hưng giao căn hộ.
"Tôi về sinh sống tại đây đã 5 năm, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ hồng, dù theo thông báo của chủ đầu tư, căn hộ của dự án đủ điều kiện cấp sổ hồng theo thẩm định của cơ quan chức năng. Nay cơ quan công an lại ngăn chặn giao dịch như vầy không biết đến bao giờ cư dân mới được cấp sổ...", ông T.T.D. bức xúc.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, tại văn bản số 3292 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM ban hành tháng 4-2023, dự án chung cư số 132 Bến Vân Đồn đã được sở này đưa vào danh sách "đã được thẩm định đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở" với tổng số 653 căn hộ.
Vi phạm quản lý "đất vàng"
Khu đất 132 Bến Vân Đồn nằm ở vị trí đắc địa, kế bên quận 1. Trước đây, khi được giao quản lý khu đất này, Vinafood II đã xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng không tự triển khai dự án mà đem góp vốn với các đối tác bên ngoài. Sau đó, thoái vốn hoặc cam kết thoái vốn để chuyển giao đất cho đối tác không thông qua đấu giá.
Việc lựa chọn nhà đầu tư hợp tác, góp vốn để thực hiện dự án này cũng được những người có trách nhiệm của Vinafood II thời điểm đó cho triển khai theo hình thức chỉ định, không chào giá công khai.
Kết luận của Kiểm toán Nhà nước cho rằng hành vi này làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro trong lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.
Sau quá trình liên danh, liên kết, thoái vốn... dự án được chuyển nhượng qua nhiều năm, nhiều giai đoạn. Gần nhất là Công ty Vĩnh Hội rồi Công ty Phú Mỹ Hưng. Dự án gồm hai block nhà cao tầng.
Ngày 28-6-2023, ba cá nhân từng là lãnh đạo Vinafood II bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam được xác định liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng khu đất diện tích 7.619m² tại địa chỉ 132 Bến Vân Đồn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Các cá nhân bị khởi tố gồm Trương Thanh Phong - nguyên tổng giám đốc, Trần Văn Vẹn - nguyên chủ tịch HĐQT và Trần Bảy - nguyên trưởng phòng kế hoạch chiến lược Vinafood II.
Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản thất thoát cho Nhà nước.
TTO - Được Nhà nước giao hàng ngàn mét vuông đất vàng tại trung tâm TP.HCM, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã hợp tác lòng vòng với Công ty Việt Hân để "hô biến" đất công thành đất tư, lập dự án khống để vay ngân hàng nhiều ngàn tỉ.