"Thắc mắc" không biết hỏi ai, "bơ vơ" không biết nhờ ai hỗ trợ!
Việc săn vé BlackPink vẫn là câu chuyện dài nhiều tập chưa hồi kết. Nhiều người đặt nghi vấn phe vé cài "bot" (công cụ tự động) để khiến phòng chờ online luôn đông nghẹt người ngày đầu vé được bán, ngay sau đó một số bên khác cho chạy bài truyền thông về việc "cháy vé" đêm diễn đầu tiên dù lượng vé cả hai ngày vẫn còn nhiều.
Thực chất chỉ có hai hạng vé giá rẻ nhất là được mua hết sớm, còn vé VIP chỉ hết cho đêm đầu. Hậu quả nhiều bạn trẻ đành cắn răng mua vé giá đắt (dao động 5,8 triệu - 7,8 triệu) dù sau đó tá hỏa vì cộng phí máy bay, khách sạn thì coi như "đi tong" cả chục triệu!
Gần đây, trang Ticketbox liên tục dừng bán, chuyển sang chế độ "đang bảo trì" nên phe chợ đen càng có thêm cơ hội hoành hành.
Trong vai người cần mua bốn vé giá loại 1,8 triệu, người viết liên lạc với một nick có tên Bùi Tấn Sơn được cho là lừa đảo trên trang "đu concert BlackPink" có 37.000 thành viên.
Chiêu thức của người này là hứa hẹn chuyển vé qua email ngay khi người mua chuyển cọc, và chỉ khi vào được sân thì mới cần chuyển đầy đủ số tiền. Để tăng tính thuyết phục và chứng minh bản thân không "scam" (thuật ngữ phổ biến nói về tình trạng tạo nick ảo để lừa đảo trên mạng), nick trên gửi cả căn cước công dân của bản thân lẫn của bạn gái.
Dẫu vậy, ngay khi nhận được khoản tiền cọc thì nick trên đổi ngay thái độ và yêu cầu phải chuyển 80% tổng số tiền thay vì như cam kết trước đó. Khi người viết từ chối và nhắc lại thỏa thuận thì ngay sau đó nick lẫn số điện thoại của Bùi Tấn Sơn luôn trong tình trạng rất khó liên lạc, nếu có thì trả lời rất nhát gừng.
Đến khi người viết đòi lại tiền cọc thì nick trên liền khóa tài khoản, chặn tin nhắn Facebook ngay!
Trong lúc tìm kiếm những thông tin hỗ trợ, chúng tôi có gửi email cho Ticketbox, thì được nhận về phản hồi "chúng tôi chỉ là đơn vị bán vé nên rất tiếc không thể hỗ trợ thêm thông tin cho quý khách. Quý khách có thể liên hệ trực tiếp fanpage ban tổ chức (iME Vietnam) để được hỗ trợ thêm nhé".
Bạn Duy Ngọc (28 tuổi, quận 1) cũng bị lừa mất vài triệu vì phát hiện cặp vé show BlackPink mua "chợ đen" được chuyển email cho nhiều người, bạn cho biết rất bơ vơ vì chẳng biết phải nhờ ai hỗ trợ, liên lạc khắp nơi đều vô vọng.
"Đu thần tượng" không sai, nhưng mà...
BlackPink vang danh toàn cầu là điều không thể chối cãi, và việc theo đuổi thần tượng không có gì sai, nhưng việc "đu thần tượng" chưa hợp với hoàn cảnh những ngày qua cũng gây nên tranh luận. Có bạn trẻ đã gây áp lực gia đình hoặc chấp nhận mua vé giá cao ngay cả khi lương bản thân chỉ "ba cọc ba đồng".
Một số bạn khác thừa nhận có thể bị rơi vào hội chứng tâm lý FOMO (sợ mọi người đều biết, đều thích mà bản thân không như vậy thì "lệch nhịp" hay bị dán nhãn quê mùa), hoặc là thấy clip có nhiều lượt coi, lượt thích, khen và chia sẻ.
Chính vì vậy, để hạn chế những vấn đề không hay khi cố gắng có mặt trong đêm diễn của thần tượng như bị scam vé, hoặc bị cuốn vào "vòng xoáy" chiêu trò của phe vé, hội chứng FOMO và mua vé giá cao bất chấp..., các bạn trẻ nên cẩn trọng hơn.
Chẳng hạn, khi mua vé không chính thống (bản chất đã đầy rủi ro vì ban tổ chức show BlackPink đã quy định về điều này) cần thực hiện cuộc gọi video với người bán và quay lại, lưu căn cước công dân; đồng thời kiểm tra số điện thoại, số tài khoản ngân hàng có cùng tên với trang cá nhân đó hay không.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể vào trang cá nhân để xem đó có phải là tài khoản thật và tương tác thường xuyên với nhiều người hay chỉ mới được tạo vài ngày, rất ít tương tác...
Khi 'cơn bão' đen hồng (BlackPink) đi qua sẽ để lại nhiều dư vị ngọt ngào với các bạn trẻ. Nhưng đồng thời nó cũng 'cày xới' chuyện bất ổn ở không ít gia đình, sự khác biệt về sở thích âm nhạc, nhu cầu giải trí và hưởng thụ giữa cha mẹ với con cái...