Mã số vùng trồng có thể coi như tấm hộ chiếu hay thị thực (visa), nghĩa là khi bà con nông dân/doanh nghiệp có nó trong tay thì nghiễm nhiên hàng hoá nông sản được các nước chấp nhận và tạo thuận lợi thông quan. Nhưng nếu tấm hộ chiếu này thông tin không rõ ràng, thiếu minh bạch, vi phạm…, hàng hóa sẽ bị tuýt còi, thậm chí, có thể mất thị trường nếu bị tuýt còi nhiều lần.
Chấn chỉnh quản lý mã số nông sản xuất khẩu
Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên tiếp đưa ra cảnh báo về vi phạm yêu cầu kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng đã đặt ra nhiều lo ngại. Ngay lập tức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi công văn tới các địa phương để chấn chỉnh việc quản lý mã số vùng trồng đối với các lô hàng trong diện phải kiểm dịch thực vật.
Công văn này đề nghị các tỉnh tập trung bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, đặc biệt lưu ý các cơ sở đóng gói phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu. Việc không kiểm tra hoặc không đảm bảo tuân thủ quy trình có thể dẫn đến bỏ sót các trường hợp không đáp ứng yêu cầu mà vẫn được xuất khẩu.
Dự kiến tháng 8, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ có đợt kiểm tra đánh giá nguy cơ dịch hại đối với trái dừa để cấp phép xuất khẩu chính ngạch.
Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu là yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu và thông lệ quốc tế, nhằm bảo đảm tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, cả nước có gần 6.500 vùng trồng và hơn 1.700 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu. 25 sản phẩm được cấp mã số xuất khẩu như thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, bưởi, mít, khoai lang… tập trung ở các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE...
Nâng cao chất lượng mã số vùng trồng
Thời gian vừa qua, các địa phương tích cực mở rộng nhanh mã số vùng trồng mới thì việc nâng cao chất lượng mã số vùng trồng hiện có cũng phải được quan tâm. Nếu chúng ta còn buông lỏng quản lý mã số vùng trồng, rất có thể tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị thu hồi và như thế cũng đồng nghĩa với việc đánh mất lợi thế để xuất khẩu nông sản vào những thị trường giá trị cao nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tăng tốc thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng trái cây.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân cấp quản lý mã số vùng trồng về cho các địa phương, thực hiện kiểm tra thực tế vùng trồng mỗi năm ít nhất 1 lần. Trong trường hợp chưa đạt yêu cầu, phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói: "Ngoài giám sát chất lượng về an toàn thực phẩm còn phải giám sát chất lượng liên quan đến mã số vùng trồng để đảm bảo sản lượng phù hợp với mã số vùng trồng để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc. Nếu chúng ta vi phạm, chắc chắn các doanh nghiệp xuất khẩu Tổng cục Hải quan không cho phép xuất khẩu nữa".
Ngoài Trung Quốc, gần đây, một số quốc gia châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản… đều yêu cầu nông sản tươi nhập khẩu buộc phải có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
7 tháng đầu năm nay, rau quả là ngành có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, đạt hơn 3,25 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ và vượt cả năm ngoái và có khả năng đạt mục tiêu 4 tỷ USD cho cả năm. Như vậy trong bối cảnh Việt Nam đang tăng tốc thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng trái cây, nếu không không nâng cao chất lượng mã số vùng trồng và duy trì uy tín trong các lô hàng được cấp phép thì rõ ràng chính chúng ta đang đánh mất lợi thế và nông sản Việt sẽ đối diện với nguy cơ bị kiểm soát chặt hơn và thậm chí mất thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.99865253252703202-uahk-taux-nas-gnon-ueihc-oh-gnort-gnuv-os-am/et-hnik/nv.vtv