Ngày 1-12, hội nghị quốc tế về "Chính sách, luật bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu" 2023 diễn ra tại TP.HCM. Hội nghị do Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Luật Hà Nội và Trường ĐH Luật (ĐH Huế) tổ chức, thu hút gần 100 chuyên gia, nhà khoa học từ Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc - COP28 đang được tổ chức tại Dubai.
Giáo sư Zhang Hui, thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Luật Tây Nam, Trùng Khánh (Trung Quốc), cho rằng một thực tế hiện nay là cộng đồng thu nhập thấp, người bản địa, người khuyết tật, người già, trẻ em, phụ nữ thường là đối tượng dễ bị tổn thương nhiều hơn trước tác động của khí hậu bất thường như lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng, thiếu nước ngọt…
Tương tự ở tầm vĩ mô, các quốc gia ở những nước có thu nhập thấp thường chịu nhiều ảnh hưởng trước biến đổi khí hậu.
Theo giáo sư Zhang Hui, những năm gần đây các quốc gia đưa ra thuật ngữ "công lý khí hậu" (climate justice) nhằm buộc các nước chịu trách nhiệm về những hành động tiêu cực gây ra cho khí hậu.
Tuy nhiên muốn như thế, các điều luật về kiện tụng sẽ cần chặt chẽ và có sự liên kết giữa các quốc gia thì mới thực thi được "công lý khí hậu".
Giáo sư Zhang Hui lấy ví dụ trong năm 2015, Trung Quốc ban hành Luật Bảo vệ Môi trường, được xem là đạo luật môi trường nghiêm ngặt nhất trong lịch sử nước này.
Trong luật, Trung Quốc mở rộng hành lang pháp lý cho các vụ kiện đòi lợi ích môi trường cho công cộng dân cư. Từ đó, số vụ kiện tụng để đòi quyền lợi môi trường tăng vọt, điển hình năm 2022 ghi nhận đến 5.885 vụ kiện và 221 vụ bồi thường.
Giáo sư Yuko Nishitani, từ Đại học Kyoto (Nhật), nói các cơ chế pháp lý minh bạch cho những vụ kiện về môi trường sẽ giúp đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ môi trường tốt hơn của các cơ quan quản lý nhà nước.
Bà cho biết sau sự kiện nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nhiều vụ kiện từ người dân với một số cơ quan thuộc chính phủ Nhật đã thành công. Các cơ quan này cũng buộc đưa ra nhiều cam kết và biện pháp hơn cho môi trường, đặc biệt là giảm lượng khí CO2.
PGS.TS Lê Vũ Nam, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng thỏa thuận Paris và chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững nhấn mạnh những tác động tiêu cực mà biến đổi khí hậu có thể gây ra cho xã hội như sự gia tăng của những hiện tượng thời tiết khí hậu cực đoan, thảm họa thiên tai, môi trường...
Theo ông Nam, sự hợp tác giữa các quốc gia để thực thi các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu rất cần thiết, đặc biệt là tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các nước đang phát triển và khu vực dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Trước thềm khai mạc COP 28, Việt Nam dự kiến sẽ sớm nhận được khoản tiền 15,5 tỉ USD từ Anh cùng 8 quốc gia khác hỗ trợ trong quá trình chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.