CHỐT LIÊN ĐỒN - LIÊN TỈNH
Trong 2 năm 2022 - 2023, chúng tôi thực hiện nhiều chuyến công tác Hà Giang - Tuyên Quang để tìm các cựu chiến binh từng công tác, chiến đấu ở đồn Công an nhân dân vũ trang Lũng Làn (nay là Đồn biên phòng Sơn Vĩ, thuộc Bộ đội biên phòng Hà Giang) để tìm hiểu thông tin về liệt sĩ Hoàng Văn Phú. Cuối tháng 5.2023, chúng tôi cũng tìm được nhân chứng.
Đó là ông Bùi Mạnh Hùng, 64 tuổi, hiện đang nghỉ hưu tại P.Ngọc Hà, TP.Hà Giang. Ông Hùng kể: tháng 5.1978, ông nhập ngũ, được đưa lên đồn Lũng Làn, Hà Tuyên (nay là Đồn biên phòng Sơn Vĩ, ở xã Sơn Vĩ, H.Mèo Vạc, Hà Giang) và cuối 1978, tăng cường cho chốt Cò Súng.
Chốt Cò Súng lấy theo tên của bản người Mông thuộc xã Sơn Vĩ, nằm sát biên giới. Địa điểm đặt chốt hồi đó, hiện là khu vực gần mốc giới 519. "Tôi lên chốt cuối năm 1978, đúng mùa cao điểm đông giá Hà Giang, nên lạnh vô cùng. Chốt trên điểm cao, phải đi bộ xuống suối lấy nước. Những khi rét mướt, anh em nấu cơm chẳng cần vo gạo", ông Hùng kể.
Từ đầu 1978, phía Trung Quốc gia tăng các hoạt động chuẩn bị chiến tranh xâm lược VN. Trên tuyến biên giới Hà Giang, các đồn biên phòng tập trung củng cố, xây dựng chốt phòng ngự, đặc biệt ở những vị trí xung yếu. Đối với đồn Lũng Làn (nay là Sơn Vĩ), do nằm quá xa tỉnh, chi viện khó khăn, giáp với tỉnh Cao Bằng, có tình hình phức tạp, nên lập chốt Cò Súng là chốt "liên đồn - liên tỉnh" gồm lực lượng của 2 đơn vị: Đồn biên phòng Lũng Làn (Hà Giang) và đồn Cốc Pàng (Cao Bằng).
Quân số của chốt Cò Súng gồm 7 hạ sĩ quan, binh sĩ, trong đó Hà Giang có 4 người (Nguyễn Văn Tới, Bùi Mạnh Hùng, Xin Tiến Thành, Hoàng Bá Chí), Cao Bằng có 3 người (Hoàng Văn Phú, Quản, Bích). Chốt trưởng là hạ sĩ Nguyễn Văn Tới (chiến sĩ đồn Lũng Làn, Hà Giang). Chốt phó là trung sĩ Hoàng Văn Phú (đồn Cốc Pàng, Cao Bằng). Do địa hình phía Cao Bằng hiểm trở, nên chốt đặt bên đất Hà Giang và đồn Lũng Làn cung cấp lương thực - thực phẩm, đảm bảo đời sống cho bộ đội chốt.
"Hồi tôi lên chốt, thám báo Trung Quốc liên tục mò sang tập kích, nên anh em phải ăn ở phân tán, 2 - 3 người trong 1 căn hầm, liên tục cảnh giới sẵn sàng chiến đấu. Ăn bữa trưa thì tập trung, nhưng rất hiếm khi đủ 7 người vì còn phải gác", cựu chiến binh Bùi Mạnh Hùng nhớ lại và rành mạch: "Tôi nhớ anh Hoàng Văn Phú vì anh ấy sinh và nhập ngũ trước tôi 3 năm (1976), là lính cựu, trực tiếp phụ trách lực lượng của Cao Bằng. Hồi ấy anh ấy có cái đài nhỏ, suốt ngày mở nghe tin tức. Ngày 17.2.1979, anh Phú nghe đài, thảng thốt kêu: Trung Quốc nó chiếm Trùng Khánh quê tôi rồi. Gia đình ở nhà sao đây?".
HY SINH ANH DŨNG
Sáng 5.3.1979, tổ công tác gồm 4 chiến sĩ Bùi Mạnh Hùng, Hoàng Bá Chí, Nguyễn Văn Tới (quân của Hà Giang) và Hoàng Văn Phú (Cao Bằng), từ chốt về đồn Lũng Làn cách đó hơn 10 km, lấy gạo thực phẩm.
"Hồi ấy thông tin liên lạc không có, nên chúng tôi không biết là sáng hôm ấy lính Trung Quốc lại tràn sang tấn công đồn chính", ông Bùi Mạnh Hùng nhớ lại và kể: cả nhóm xuất phát từ 7 giờ sáng. Do đi nhận gạo, phải mang vác nặng, nên vũ khí rất gọn nhẹ. Ngoài trung sĩ Hoàng Văn Phú đeo khẩu AK kèm 2 băng đạn, 4 quả lựu đạn với lý do: "Tớ mang vác quen rồi, có gì sẽ bảo vệ các cậu", còn lại chỉ khoác CKC.
Gần 8 giờ sáng, tổ đến cách đồn Lũng Làn khoảng 5 km. Thấy phía trước nhiều bóng áo xanh, binh nhất Hoàng Bá Chí thắc mắc: "Hôm nay sao quân đồn mình ra đây đông thế?". Đến gần, mới ngã ngửa bởi đó là lính Trung Quốc và chúng ngay lập tức hò hét bao vây hòng bắt sống.
Trung sĩ Hoàng Văn Phú dẫn cả nhóm chạy lên trận địa bỏ không gần đường, đánh trả. Mặc dù bộ đội ta ở trên cao, nhưng quân số ít, hỏa lực yếu, nên chỉ sau thời gian ngắn, quân Trung Quốc giành thế áp đảo. "Anh Phú cơ động khắp trận địa để yểm trợ chúng tôi. Đánh nhau được khoảng nửa tiếng, địch tập trung hỏa lực vào anh Phú. Tôi thấy tiếng điểm xạ AK của Phú ngừng, nhao sang thì thấy anh Phú nằm ngửa trên bãi đá, vết đạn xuyên qua đầu, máu chảy xuống ướt đẫm", ông Hùng nhớ rành mạch: "Anh Phú hy sinh lúc 9 giờ sáng".
Sau khi cào đất đá che thi hài anh Phú, binh nhất Bùi Mạnh Hùng và Hoàng Bá Chí đánh trả đến viên đạn cuối cùng. Pháo binh từ bên kia biên giới bắn trùm lên trận địa, binh nhất Bùi Mạnh Hùng bị thương ở chân phải, ôm đồng đội Hoàng Bá Chí bị trọng thương, lăn xuống khe núi cạnh trận địa, thoát tầm mắt tốp lính xung kích vừa nhảy vào chiến hào.
Đêm hôm ấy, binh nhất Hoàng Bá Chí trút hơi thở cuối cùng trên tay ông Hùng. Sau khi giấu xác đồng đội trong hốc đá dưới khe núi, ông Hùng bò lết về phía bắc hướng đồn Lũng Làn đóng quân. Mãi 3 ngày sau, lực lượng tìm kiếm mới tìm thấy ông Hùng. Trước khi lên xe cứu thương về tỉnh, ông Hùng vẫn dặn: "Anh Phú nằm dưới đống đá trên trận địa. Chí thì sau tảng đá dưới khe…".
"Tháng 7.1980, tôi xuất ngũ, làm ngành lương thực và mới nghỉ hưu. 44 năm qua, tôi luôn nhớ cảnh thi hài Phú vắt ngang chiến hào. Anh Phú, người dân tộc Nùng, đã có 3 năm tuổi quân nên rất nhiều kinh nghiệm. Ngày 5.3.1979, anh Phú chỉ huy anh em kiên cường đánh địch. Khi chết, mắt anh ấy vẫn mở trừng trừng", ông Hùng nhớ lại.
Cựu chiến binh Bùi Mạnh Hùng mong mỏi: "Rất muốn gặp thân nhân anh Phú, để chia sẻ những giây phút cuối cùng của liệt sĩ". Tâm nguyện này là của chung những người lính Lũng Làn, suốt 44 năm qua. (còn tiếp)
Đầu năm 1978, tôi làm đồn trưởng Cốc Pàng (Cao Bằng). Lúc ấy quân số đông, nên chỉ biết Hoàng Văn Phú là lính cựu và là người dân tộc thiểu số. Giữa năm 1978, tình hình căng thẳng, sắp đánh nhau với Trung Quốc, nên tôi điều Phú lên phụ trách chốt liên đồn bên Hà Giang.
Ngày 17.2.1979, Trung Quốc xâm lược toàn tuyến biên giới phía bắc. Ở Cốc Pàng, chúng cho 1 tiểu đoàn đánh sang đồn, đốt phá doanh trại nên chúng tôi phải về phía sau. Giữa tháng 3.1979, Trung Quốc rút quân chủ lực về bên kia biên giới, chúng tôi sắp xếp lại đơn vị, nghe anh em báo là Phú hy sinh bên Hà Giang, thi hài chôn tạm bên ấy. Hồi ấy rất muốn đưa Phú về, nhưng từ Cốc Pàng sang Mèo Vạc phải đi bộ cả 2 ngày đường rừng núi, từ đồn về tỉnh cũng gần 1 tuần, trong khi địch vẫn đánh chiếm các điểm cao, gài mìn phục kích khắp nơi, nên đành phải thôi.
Cuối năm 1979, tôi nhận nhiệm vụ khác. Trước khi đi vẫn nhắc anh em lưu tâm đến trường hợp hy sinh của Phú. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, đánh trả quân Trung Quốc xâm lược, đồn Cốc Pàng chúng tôi quân số cả trăm người, có mỗi Hoàng Văn Phú hy sinh…
(Ông Lãnh Trọng Nghiễm, nguyên Đồn trưởng Đồn biên phòng Cốc Pàng, Cao Bằng; hiện đang nghỉ hưu tại TT.Bảo Lạc, H.Bảo Lạc, Cao Bằng)