Cha mẹ ông Hoàng chết để lại nhà đất và một số tài sản có giá trị, ông được giao làm người giám hộ đương nhiên của ba người em bị mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, khi giám hộ ông Hoàng có dấu hiệu ngược đãi những người này. Vậy làm thế nào để thay đổi quyền giám hộ của ông Hoàng? Nếu người thân thích với ba người kia không còn ai thì ai được quyền giám hộ họ?
Bạn đọc Phan Công Nguyên (Đồng Nai) gửi câu hỏi.
Luật sư Võ Công Hạnh (Đoàn luật sư Thừa Thiên Huế) tư vấn:
Về vấn đề bạn đọc hỏi, có hai nội dung:
Làm thế nào để thay đổi quyền giám hộ của ông Hoàng?
Căn cứ khoản 2, điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: "Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ".
Như vậy trong trường hợp này ba mẹ ông Hoàng đã mất và chỉ còn lại ông và ba người em bị mất năng lực hành vi dân sự nên ông Hoàng là người giám hộ đương nhiên của họ.
Theo quy định, người giám hộ phải có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ; có nghĩa vụ chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ.
Nếu người giám hộ có hành vi xâm hại sức khỏe, ngược đãi người được giám hộ là vi phạm nghiêm trọng về chế định giám hộ. Đó là cơ sở để thay đổi người giám hộ (khoản 1, điều 60, Bộ luật Dân sự).
Như vậy theo quy định trên ông Hoàng đã không còn đáp ứng đầy đủ các điều kiện đối với cá nhân làm người giám hộ.
Để chấm dứt tư cách giám hộ của ông Hoàng, theo quy định tại khoản 2, điều 51 Bộ luật Dân sự 2015 về việc cử người giám sát việc giám hộ, ủy ban nhân dân xã nơi cư trú của ông Hoàng là cơ quan cử cá nhân hoặc pháp nhân giám sát việc giám hộ.
Cá nhân hoặc pháp nhân được ủy ban nhân dân xã (phường) cử giám sát việc giám hộ của ông Hoàng thực hiện việc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét thay đổi người giám hộ khi phát hiện ông Hoàng có những hành vi ngược đãi đối với ba người em bị mất năng lực hành vi dân sự (căn cứ điểm c, khoản 4, điều 51 Bộ luật Dân sự 2015).
Nếu người thân thích với 3 người kia không còn ai thì ai được quyền giám hộ họ?
Trường hợp thay đổi người giám hộ đương nhiên đối với ba người em bị mất năng lực hành vi dân sự khi ông Hoàng có hành vi ngược đãi và bị cá nhân hoặc pháp nhân giám sát yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi người giám hộ nhưng hiện tại ngoài ông Hoàng thì ba người em không có người thân nào khác thì việc cử, chỉ định người giám hộ này được thực hiện theo quy định tại điều 54 Bộ luật Dân sự 2015.
Đối chiếu theo quy định trên thì ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ cho ba người em bị mất năng lực hành vi dân sự của ông Hoàng.
Người được cử làm giám hộ thay ông Hoàng ngoài đáp ứng các điều kiện cần thiết tại điều 49 và điều 50 Bộ luật Dân sự 2015 (và việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ).
Như vậy người giám hộ mới sẽ do ủy ban nhân dân xã nơi cư trú của ba người em cử hoặc chỉ định cá nhân hoặc pháp nhân làm người giám hộ thay ông Hoàng.
Trường hợp yêu cầu thay đổi người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự và có người khác đủ điều kiện nhận làm giám hộ thì các bên làm thủ tục đăng ký chấm dứt giám hộ trước đó và đăng ký giám hộ mới.
Đăng ký giám hộ mới được thực hiện theo quy định tại điều 20, 21 Luật Hộ tịch 2014.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.