Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 2 thế giới. Giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Đây là thông tin từ Diễn đàn Kết nối sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh.
Hiện tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường lớn gồm: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2022 cũng lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2021.
Nguyên nhân khiến ngành tôm phát triển chưa bền vững
Tác động từ sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu đã khiến xuất khẩu tôm tụt dốc. 6 tháng qua, xuất khẩu tôm chỉ đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm mạnh hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số hơn 2.000 trại giống nuôi trên cả nước, chỉ có hơn một nửa trại giống đủ tiêu chuẩn. Nguồn giống không đạt chuẩn, khó kiểm soát chất lượng, cùng với đó là chi phi đầu vào tăng cao nên người nuôi đang gặp khó.
Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
6 tháng đầu năm, tôm được mùa nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 1,56 tỷ USD. Nhiều sức ép đang dồn lên con tôm Việt nên sản phẩm tôm xuất khẩu đang bị cạnh tranh với các quốc gia khác.
"Con giống yếu và môi trường yếu sẽ sinh ra dịch bệnh rất là nhiều, cái này sẽ quyết định thành bại của các nhà chế biến xuất khẩu Việt Nam chúng ta. Khi can thiệp dịch bệnh bằng các động tác hiền hòa hay thô bạo sẽ đưa ra chất lượng sản phẩm khác nhau", ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng, cho biết.
"Giá thành nuôi tôm của Việt Nam cao từ 20.000 - 40.000 so với các nước khác mà nguồn gốc gây ra là tỷ lệ nuôi thành công quá thấp nên giải pháp hiện nay là làm sao kéo giảm giá thành", ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm Sao Ta, nói.
Khi tồn kho tăng cao, các nhà mua hàng tìm kiếm đơn hàng có giá cạnh tranh, nhiều ý kiến cho rằng chủ động được nguồn vốn là yếu tố quan trọng để có đơn hàng. Tuy nhiên, nông dân và doanh nghiệp đang mắc kẹt giữa hai "gọng kìm" vốn và lãi suất. Điểm hình thời điểm này, nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng rơi vào cảnh điêu đứng, nếu không buộc phải treo ao, thì cũng chỉ thả nuôi cầm chừng vì không có tiền để đầu tư.
Trước mắt, tôm Việt Nam đang duy trì đà xuất khẩu nhờ vào lợi thế chế biến. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu không có giải pháp "hạ nhiệt" chi phí sản xuất, kịp thời hỗ trợ vốn sẽ dẫn đến nguy cơ lớn từ việc thiếu hụt nguyên liệu, giảm đà xuất khẩu.
Gỡ khó cho ngành tôm
Dự báo trong các tháng cuối năm nay, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm. Đặc biệt, nhu cầu cao hơn cho các lễ hội cuối năm đang được kỳ vọng giúp xuất khẩu mặt hàng tôm hồi phục.
Tuy nhiên, để lấy lại đà tăng trưởng, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD trong năm nay, ngành tôm cần nắm bắt cơ hội. Các chính sách gỡ khó đang được nông dân và doanh nghiệp mong đợi.
Ngân hàng nhà nước vừa có hướng dẫn 12 ngân hàng tham gia gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Thông tin này đang được kỳ vọng giải được cơn khát vốn của ngành tôm.
"Sẽ tập trung vào doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu. Khi bà con nông dân đã sản xuất ra cần có đơn vị thu mua để thực hiện tiêu thụ xuất khẩu đi. Gói này ra thì Agribank đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia 3.000 tỷ", bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank, cho biết.
"Phải giảm lãi suất, tăng room và thời gian cho vay phải phù hợp với chu kỳ sản xuất của từng đối tượng, ví dụ như thả tôm 3,5 tháng, một năm 3 vụ, nếu chỉ có vay chưa được 1 vụ thì sẽ rất khó cho nhà sản xuất, xuất khẩu", ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.
Tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Cập nhật kịp thời các quy định mới thị trường, thông tin xu hướng thị hiếu từ cơ quan quản lý nhất là cơ quan xúc tiến, tham tán thương mại đang giúp doanh nghiệp định hướng lại thị trường thúc đẩy xuất khẩu.
"Thông qua các hội nghị hội thảo cũng như tọa đàm để chia sẻ về mặt khoa học kỹ thuật, chia sẻ về các thông tin thị trường, chia sẻ những nhu cầu của những thị trường nhập khẩu. Đặc biệt là định hướng trước mắt vào trong các yêu cầu đối với những thị trường nhập khẩu của thủy sản nói chung và con tôm nói riêng, để từ đó chúng ta có những cách tiếp cận và sản xuất phù hợp với tình hình thực tế", ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.
Được hưởng ưu đãi thuế, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký với các nền kinh tế lớn là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu. Mặt hàng tôm Việt đã được chế biến đa dạng về mẫu mã và hình thức đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã tận dụng một số phụ phẩm tôm để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao cấp cũng kỳ vọng đạt kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD trong năm 2023.
VTV.vn - Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 2 thế giới. Giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.19440143162703202-pe-cus-ueihn-uihc-teiv-mot/et-hnik/nv.vtv