Đến hẹn lại lên, cứ mỗi năm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á lại ra sách ảnh, tổ chức triển lãm ảnh. Năm nay, hai cuốn sách ảnh được ra mắt và bộ ảnh được triển lãm sáng 27-7 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.
Những chàng trai, cô gái rà phá bom mìn ở Quảng Trị
Cuốn Biệt đội giữ bình yên "đất lửa" kể câu chuyện về đội rà phá bom mìn trên "đất lửa" Quảng Trị, nhưng trong những khung hình lại toàn là màu xanh. Cỏ xanh, rừng xanh, áo xanh, huy hiệu của tổ chức NPA/RENEW xanh và ánh mắt những chàng trai, cô gái lúc rà bom, hủy nổ cũng xanh.
Lớn lên trên đất lửa Quảng Trị, họ hiểu rõ hơn ai hết rằng trên đồng, trong rừng, sườn núi, triền sông quê mình vẫn còn hàng ngàn tấn bom mìn đang im lìm đe dọa. Khi chương trình Khảo sát và rà phá bom mìn của Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) khởi động dự án RENEW, họ lập tức đăng ký tham gia.
"Nếu ai cũng lo sợ thì ai sẽ làm việc này, nhất là khi đây là việc để mang lại bình yên cho quê mình", các cô Nhung, cô Linh, cô Thủy, cô Thắm nói giản dị vậy và bước vào rừng.
Ống kính Nguyễn Á đi theo họ, rà từng centimet vuông đất, căng thẳng theo dõi từng tín hiệu, cẩn trọng từng động tác tháo gỡ, nín thở bấm lệnh hủy nổ, gấp gáp mà bình tĩnh cứu thương...
Tìm bom gỡ mìn nhưng mắt vẫn xanh, bình thản chuyên nghiệp nhưng môi vẫn cười và tình yêu vẫn nảy nở.
"Đi theo họ, đội toàn nam rồi đội toàn nữ, tôi thật cảm phục và mong muốn thực hiện cuốn sách này để tôn vinh họ, một công việc quả cảm trong thời bình", Nguyễn Á tâm sự vậy, và hẳn cũng không hề tình cờ khi anh chọn tông màu xanh cho bộ ảnh gỡ bom mìn trên đất lửa lần này.
Tâm tình cựu tù Côn Đảo
Cuốn Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại theo chân những cựu tù trở lại Côn Đảo, bộ ảnh lại mang màu chủ đạo đen - đỏ từ những bộ đồng phục của đoàn.
Bộ bà ba đen quen thuộc của những người thường tự giới thiệu mình thuộc "dân tộc Tà Ru", chiếc áo đỏ sao vàng quen thuộc của tấc lòng yêu nước. Ngày trở lại là những nụ cười, những giọt nước mắt, những ký ức, những câu chuyện trong xà lim, bên tấm bia tưởng niệm...
Gian khổ ngày ấy chưa phai trong những năm tháng được hạnh phúc chứng kiến hòa bình. Ước mơ ngày ấy cũng chưa nguôi trong những giấc mộng gặp lại đồng đội.
Ống kính máy ảnh của Nguyễn Á đã ghi lại đủ những sắc thái tâm tình người cựu tù, lại cả những rung động bật thốt của khách du lịch tình cờ đứng nghe chuyện.
"Tôi tự nguyện thực hiện bộ ảnh và in cuốn sách này để tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ của mình đến những người đi trước, những người đổ máu để tôi được sống trong hòa bình.
Biết rằng chưa thể đủ với hàng vạn các cô chú cựu tù nên tôi để thêm chữ "Tập 1" ngay ngoài bìa này như một lời hứa, một hy vọng rằng cả tôi cũng sẽ trở lại", Nguyễn Á trả lời những câu hỏi tò mò "sách do ai tài trợ?" như vậy.
Tính đến nay Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã ghi danh 15 di sản của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Mời độc giả cùng về các miền di sản cùng nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.