Ngày 30-12 năm ngoái, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương (57 tuổi) được Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao, thay thế người tiền nhiệm Vương Nghị.
Tuy nhiên, đến ngày 25-7, ông Tần Cương đã bị miễn nhiệm chức bộ trưởng ngoại giao. Lý do miễn nhiệm chưa được công bố.
Trong 7 tháng làm bộ trưởng ngoại giao, ông Tần Cương đã có các phát ngôn đáng chú ý về nhiều vấn đề.
Đặc biệt tại cuộc họp báo đầu tiên của ông Tần Cương trên cương vị ngoại trưởng Trung Quốc ngày 7-3:
(1) Ông Tần chỉ trích Mỹ về một loạt vấn đề toàn cầu: nói dường như có một "bàn tay vô hình" đang đẩy cuộc khủng hoảng ở Ukraine leo thang; nói việc Mỹ tăng lãi suất đang gây ra khủng hoảng nợ; chỉ trích chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ là "phiên bản châu Á - Thái Bình Dương của NATO".
(2) Ông Tần nói cần phải ngăn quan hệ Trung - Mỹ trở nên xấu hơn, rằng nếu Mỹ không "đạp phanh, và tiếp tục đi sai đường thì chắc chắn sẽ xảy ra xung đột, đối đầu".
(3) Ông Tần khẳng định Trung Quốc không cung cấp vũ khí cho Nga dùng trong cuộc chiến ở Ukraine.
(4) Ông Tần tỏ ra hòa giải với châu Âu, rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ quá trình "hội nhập châu Âu", hy vọng châu Âu sẽ thực sự đạt được "quyền tự chủ chiến lược" và "an ninh, ổn định lâu dài" sau thử thách từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
(5) Ông nói quan hệ giữa Trung Quốc và Nga - với lòng tin chiến lược và là láng giềng tốt - là "tấm gương tốt cho quan hệ quốc tế".
(6) Ông giơ bản Hiến pháp Trung Quốc trước báo chí thế giới để nhắc nhở rằng vấn đề Đài Loan là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc: "Hai bờ eo biển Đài Loan thuộc về một gia đình được gọi là Trung Quốc".
(7) Ông Tần nói Trung Quốc và Nhật Bản "là những nước láng giềng gần gũi" và cần nhau, rằng để cải thiện quan hệ, cả hai bên phải tôn trọng các cam kết hợp tác hơn là gây ra mối đe dọa cho nhau.
Một số phát ngôn đáng chú ý khác:
Trong cuộc gặp với Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns ngày 8-5, ông Tần nói: "Chương trình nghị sự đối thoại và hợp tác được hai bên nhất trí đã bị phá vỡ, và quan hệ giữa hai nước một lần nữa bị đóng băng lạnh giá. Mỹ không thể một mặt nói về chuyện liên lạc, nhưng mặt khác tiếp tục chèn ép và kiềm chế Trung Quốc".
Trong chuyến thăm Đức hồi tháng 5, ông Tần cho biết Bắc Kinh duy trì liên lạc với tất cả các bên trong việc tìm kiếm lệnh ngừng bắn ở Ukraine: "Là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và là nước lớn có trách nhiệm, Trung Quốc sẽ không đứng nhìn ngọn lửa từ bờ bên kia cũng như không đổ thêm dầu vào lửa".
Giới quan sát từng cho rằng việc ông trở thành ngoại trưởng Trung Quốc là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đang rời xa "ngoại giao chiến lang" và áp dụng cách tiếp cận mềm mỏng hơn trong chính sách ngoại giao của mình, nhất là trong quan hệ với Mỹ. Tháng 3-2021, Trung Quốc thậm chí từng đem "ngoại giao chiến lang" đến Alaska (Mỹ) trong cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung.
Hồi tháng 3 năm nay, khi phóng viên báo Straits Times hỏi có phải giờ đây Trung Quốc sẽ áp dụng cách tiếp cận mềm mỏng hơn hay không, ông dẫn lại một câu nói của Khổng Tử: "Dụng thiện hành hồi báo thiện hành" (Dùng hành động tốt để đáp lại hành động tốt).
Ông Tần nhấn mạnh: "Trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc không thiếu thiện chí và lòng tốt. Nhưng nếu phải đối mặt với chó rừng hoặc sói, các nhà ngoại giao Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đối đầu trực diện với chúng và bảo vệ Tổ quốc mình".
Ông Tần Cương là một trong những ngoại trưởng trẻ tuổi của Trung Quốc, cũng là người giữ chức vụ này thời gian ngắn nhất.