Thị trường chứng khoán phiên 26-7 diễn ra trong sự hồi hộp của giới đầu tư, khi chứng kiến bên bán và mua liên tục giằng co, chỉ số VN-Index mãi không chịu vượt qua mốc quan trọng 1.200 điểm.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng khoảng 10 phút cuối tình hình trở nên khởi sắc, chỉ số VN-Index chính thức chinh phục thành công và khép lại phiên với mức tăng 4,94 điểm (+0,41%) lên mốc 1.200,84 điểm, cao nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây.
Nhiều mã chứng khoán tăng tốt, gần 1 tỉ USD "sang tay"
"Công thần" dẫn dắt thị trường đi lên phải kể đến các cổ phiếu VCB (Vietcombank), SAB (Sabeco), FPT, MSN (Masan), REE (Cơ điện lạnh), VNM (Vinamilk), BID (BIDV), HPG (Hòa Phát)…
Ngược với đà tăng của thị trường chung, nhiều mã bị nhà đầu tư tập trung bán ra, gây áp lực đáng kể như MWG (Thế giới di động), GAS (PetroVietnam Gas), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), CTG (Vietinbank)…
Có sự phân hóa rõ rệt giữa các cổ phiếu thuộc nhóm xây dựng - bất động sản. Trong ngày, mã NVL của Novaland gây chú ý khi tăng lên giá 17.200 đồng/cổ phiếu (+6,17%), với hơn 73 triệu cổ phiếu được sang tay.
Diễn biến liên quan, doanh nghiệp do ông Bùi Thành Nhơn lãnh đạo vừa nhận được tin tỉnh Lâm Đồng nhất trí giao Sở Xây dựng tiếp nhận hồ sơ ý tưởng quy hoạch dự án Cao Nguyên Lâm Viên 30.000ha tại huyện Bảo Lâm.
Nhiều mã khác cũng giữ được sắc xanh như VHM (Vinhomes), CRE (Bất động sản Thế Kỷ), DPG (Đạt Phương), PDR (Phát Đạt), LGC (Đầu tư cầu đường CII)... Đối lập, cổ phiếu VIC (Vingroup), CEO, VCG (Vinaconex)... bị sụt giảm điểm đáng kể.
Riêng mã CTD của Coteccons (mới đây bị đối thủ Ricons yêu cầu mở thủ tục phá sản, liên quan đến tranh chấp công nợ hợp đồng kinh tế) bị rớt xuống giá 72.800 đồng/cổ phiếu.
Phía Coteccons cũng cho biết hiện đang trong quá trình đấu thầu những dự án rất quan trọng, nên việc bị đối thủ yêu cầu mở thủ tục phá sản là "một hành động mà chúng tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này".
Xét theo lĩnh vực kinh doanh, cổ phiếu của các nhóm thiết bị điện, công nghệ thông tin, xây dựng, thực phẩm - đồ uống, sản xuất phụ trợ, chứng khoán, nông - lâm - ngư, bất động sản, vật liệu xây dựng, dịch vụ tư vấn - hỗ trợ, ngân hàng, khai khoáng… tăng khá tốt.
Ngược lại, chỉ số cổ phiếu nhóm bán lẻ, sản phẩm cao su, vận tải - kho bãi, sản xuất nhựa - hóa chất, dịch vụ lưu trú - ăn uống, giải trí… bị giảm điểm.
Chốt phiên, tổng giá trị giao dịch trên ba sàn chính gồm HoSE, HNX và UPCoM đạt hơn 21.000 tỉ đồng. Đồng thuận với dòng tiền của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại mua ròng gần 130 tỉ đồng.
Cần tính đến xác suất điều chỉnh bất ngờ
Ngay khi khép phiên giao dịch, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) lập tức đưa ra các dự báo tiếp theo.
Cụ thể, về góc nhìn kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang dần tiến đến khu vực kháng cự mạnh trong ngắn hạn (1.200 - 1.210 điểm) và xác suất điều chỉnh bất ngờ là cần được tính đến. Thêm vào đó, lực cầu không còn mạnh và thuyết phục như những phiên trước đó.
"Nhà đầu tư tiếp tục giữ tâm lý thận trọng, hiện thực hóa lợi nhuận một phần và ưu tiên quản trị rủi ro tài khoản thay vì tiếp tục giải ngân mua đuổi tại thời điểm hiện tại", phía VCBS cho hay.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định thị trường đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, song vẫn có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh luân phiên. Tuy nhiên nhịp điều chỉnh có thể nhanh chóng kết thúc.
Nhiều công ty chứng khoán bắt đầu ghi nhận lượng tiền gửi của khách hàng tăng trở lại trong quý 2-2023. Có nơi tăng thêm vài nghìn tỉ đồng sau 6 tháng.