Ngày 21-3, báo Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải bài viết “Khốn khổ vì nhà hàng xóm nuôi hơn 80 con chó”, nội dung bài viết thông tin về căn nhà trên đường Hoàng Diệu, phường 9, quận 4 nuôi hơn 80 con chó trong nhiều năm qua đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân xung quanh.
Sau khi bài viết được đăng tải, UBND quận 4 đã có công văn phản hồi đến báo, cụ thể ngày 4-2, UBND quận 4 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà T là chủ nuôi hơn 80 con chó với hành vi xả nước thải vượt chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên với số tiền 64 triệu đồng. Đồng thời, buộc bà T phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, ngày 25-2, bà T đã có đơn khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên nhưng UBND quận 4 đã bác bỏ đơn khiếu nại này.
Đến nay, bà T vẫn không chấp hành quyết định trên và duy trì nuôi chó với số lượng lớn gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh. Theo thông tin chúng tôi được biết, hiện nay đàn chó này còn 79 con.
Đàn chó số lượng lớn tại căn nhà trên đường Hoàng Diệu, phường 9, quận 4, TP.HCM. |
Chẳng lẽ chịu thua
Anh Nguyễn Đức Tuấn (người dân ngụ phường 9, quận 4) cho biết kể từ ngày UBND quận kiểm tra, xử phạt đến nay thì tình trạng nuôi chó gây ô nhiễm làm ảnh hưởng đến khu vực của chủ nhà trên đường Hoàng Diệu vẫn diễn ra, mùi hôi vẫn nồng nặc, chất thải của chó tràn lan ở vỉa hè và chó vẫn sủa inh ỏi.
“Thật sự quá mệt mỏi rồi. Tôi và mọi người ở đây đã cầu cứu rất nhiều đến cơ quan chức năng nhưng đều vô ích. Chẳng lẽ các cấp chính quyền phải bó tay và chịu thua với trường hợp này sao?
Tôi mong phải chấm dứt tình trạng này, tốt nhất là cưỡng chế di dời đàn chó nếu bà T không chấp hành để con tôi, gia đình tôi và hàng xóm tôi được sống trong một môi trường sạch sẽ” - anh Tuấn nói.
Anh Nguyễn Khả Ái (sống cạnh căn nhà nuôi chó nêu trên) chia sẻ anh cũng đã quá mệt mỏi với bà T và gia đình bà T vì mỗi khi hàng xóm hay chính anh đến nhắc nhở việc giữ vệ sinh chung nhưng không có kết quả.
“Càng nói thì bà T càng thả chó ra ngoài chạy khắp nơi, phóng uế bừa bãi. Bà T thậm chí còn thách thức mọi người cứ việc báo công an hay khiếu nại với chính quyền. Với thái độ thách thức, xem thường pháp luật đó mà nhiều cuộc cãi vã đã xảy ra giữa bà T và mọi người xung quanh. Gần đây nhất là ngày 20-7, bà T và một người hàng xóm cũng tranh cãi nhau vì vấn đề thả chó ra vỉa hè...” - anh Ái than vãn.
Hiện nay chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm liên quan đến mùi hôi.
Lý do chưa giải quyết dứt điểm
Trao đổi với PV, ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, cho biết hiện nay những quy định về quản lý chó, mèo vẫn còn chung chung, chưa quy định điều kiện cụ thể đối với hoạt động chăn nuôi động vật làm cảnh, nhất là đối với những hộ nuôi chó, mèo với số lượng lớn.
Trên thực tế, tại TP.HCM xuất hiện một số hộ nuôi chó, mèo với số lượng rất lớn như hộ dân ở đường Hoàng Diệu gây ảnh hưởng mùi hôi, tiếng ồn và đời sống sinh hoạt hằng ngày của các hộ dân sinh sống xung quanh, phát sinh đơn thưa, khiếu nại...
Trước thực tế đó, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp cùng chính quyền địa phương xử lý trường hợp này nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm do hiện nay chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm liên quan đến mùi hôi.
Bên cạnh đó, việc xác định mật độ nuôi và xử lý vi phạm về tiếng ồn do nuôi chó, mèo với số lượng lớn trên thực tế cũng khó thực hiện.
“Để có cơ sở pháp lý giải quyết vấn đề của chủ nuôi chó số lượng lớn trên đường Hoàng Diệu, phường 9, quận 4 một cách căn cơ và thống nhất, Sở NN&PTNT đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT đề nghị quan tâm, hỗ trợ, đồng thời có chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể về điều kiện chăn nuôi, điều kiện vệ sinh thú y và đối xử nhân đạo đối với việc nuôi chó, mèo và các loài động vật nuôi làm cảnh khác.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xây dựng thông tư về quản lý các vật nuôi khác, trong đó có chó, mèo; trong đó có điều kiện chăn nuôi, mật độ nuôi, mức xử phạt...” - ông Bảo cho hay.•
Có thể vận dụng các luật khác để xử lý
Trong khi chờ những quy định mới bổ sung để giải quyết triệt để trường hợp của chủ hộ nuôi chó với số lượng lớn trên đường Hoàng Diệu, phường 9, quận 4 thì địa phương nên quản lý chặt chẽ hơn, bắt buộc hộ dân này đảm bảo vệ sinh môi trường, điều kiện vệ sinh chăn nuôi, thực hiện tiêm phòng...
Nếu hộ dân này thả rông chó không rọ mõm, phóng uế bừa bãi thì có thể áp dụng các quy định sẵn có như khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020 (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017), phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với hành vi không rọ mõm chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng...
Ngoài ra, nếu có đầy đủ cơ sở, căn cứ thì địa phương có thể áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt đối với chủ hộ này vì không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt; hoặc không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Đồng thời, áp dụng các biện pháp cưỡng chế như khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá...
Luật sư TRỊNH CÔNG MINH, Đoàn Luật sư TP.HCM