Tại hội thảo: “Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp dệt may chuyển đổi xanh” tổ chức tại TPHCM ngày 27/7, tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng - Giảng viên chính, Đại học Công nghiệp TPHCM, cho hay bà đã nghiên cứu thành công vải làm từ sợi bẹ chuối và sợi lá dứa. Ấn Độ, Trung Quốc sản xuất vải từ nguyên liệu thân thiện môi trường rất tốt nhưng Việt Nam mới chỉ chủ yếu sản xuất thủ công do chưa được đầu tư nhiều về công nghệ.
Khách hàng trong nước cũng dần có yêu cầu về các loại vải sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường - Ảnh: Nguyễn Cẩm |
Đề án sản xuất vải từ sợi bẹ lá chuối, lá dứa… đã được triển khai ở 2 vùng nguyên liệu Đồng Nai và Long An, nhưng còn vướng về giá cả nên sản phẩm vẫn chưa thể ra mắt. Đã có doanh nghiệp đồng ý nhận xơ bẹ chuối, bạc hà dệt thành vải nhưng giá khoảng 200.000 đồng/kg xơ; trong khi loại sợi nhập khẩu giá cao nhất hiện nay chỉ 80.000 đồng/kg.
“Chúng tôi cần sự liên kết nhiều doanh nghiệp với nhau vì trong chuỗi dệt may, công đoạn sau là khách hàng của công đoạn trước tạo thành 1 chuỗi tuần hoàn. Tôi sẽ đưa đề án về Hiệp hội, đào tạo miễn phí, DN được thụ hưởng, ứng dụng để giảm chi phí sản xuất. DN cần mạnh dạn chuyển đổi chứ đừng chờ đợi nữa, rồi 5 năm sau DN lại làm lại từ đầu”, tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng nói.
Ông Phan Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM, cho biết hiện nay chỉ mới có khoảng 15% doanh nghiệp (DN) dệt may đã và đang chuyển đổi xanh. Nhiều DN có tâm lý chờ thị trường hồi phục mà không nhìn nhận lúc này là cơ hội vàng để chuyển đổi xanh. Bangladesh có ưu thế là vì họ làm từ sớm, có nhiều chứng chỉ xanh chứ chưa hẳn họ sản xuất xanh, phần lớn chỉ sản xuất hàng thông thường chứ không sản xuất hàng chất lượng cao như Việt Nam đang làm.
Theo ông Việt, DN muốn chuyển đổi xanh phải bắt đầu từ việc quan trọng nhất là phải thay đổi được nhận thức của con người và phải am hiểu công nghệ. Nhân viên thiết kế phải biết sử dụng nguồn nguyên liệu thân thiện môi trường như thế nào, áp dụng công nghệ gì, tiêu chuẩn của khách hàng ra sao?... Bên cạnh đó, DN cần nguồn vốn lớn để đầu tư công nghệ; song hiện nay cơ chế chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi xanh vay vốn chưa cụ thể.
Để khuyến khích DN chuyển đổi xanh, Phó chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM, cho rằng cần cơ chế chính sách giảm thuế của Nhà nước đối với các DN chuyển đổi xanh; đồng thời cần cơ chế cho DN chuyển đổi xanh được vay vốn chứ không cần phải hỗ trợ lãi suất ưu đãi. Ngân hàng cho vay lãi suất ưu đãi nhưng điều kiện DN khó đáp ứng được thì cũng không vay được, chẳng khác nào ngân hàng từ chối ngay từ đầu. DN được vay vốn có thể đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số giúp giảm chi phí rất hiệu quả. Như châu Âu ứng dụng công nghệ hiện đại 4.0 có thể đo được lượng carbon thải ra, tính được làm ra bao nhiêu sản phẩm...
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.8156941a-hnart-hnac-ohk-aud-al-iouhc-eb-ut-mal-iav-neihk-uey-meid/nv.moc.enilnounuhp.www