Monster là bộ phim mới nhất của đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Kore-eda, phim thắng giải Kịch bản xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2023. Khác với hầu hết những bộ phim trước đây đều do Kore-eda tự viết kịch bản, Monster được dàn dựng từ kịch bản của Yuji Sakamoto, một biên kịch khá tên tuổi ở Nhật Bản.
Sự thay đổi trong cách tiếp cận ấy mang đến những khác biệt khá rõ về kể chuyện của đạo diễn với chất "kịch tính" được đề cao hơn.
Vay mượn phong cách tường thuật một sự kiện từ nhiều góc nhìn của đạo diễn huyền thoại Kurosawa qua kiệt tác kinh điển Rashomon, bộ phim mới nhất của Kore-eda lặng lẽ và từ tốn bóc tách một bi kịch về bạo hành học đường.
Nhưng "sự thật" của người này chưa chắc đã là sự thật của người khác. Để rồi khi sự thật cuối cùng được mở ra, chúng ta chỉ biết nhói lòng trước sự tàn phá lẫn trắc ẩn của nó.
Trailer de Monster — 怪物 (HD)
Sự bất an tràn ngập
Hình ảnh mở đầu phim và luôn lặp lại qua mỗi góc nhìn mới là góc máy toàn cảnh về một thành phố tỉnh lẻ khá yên bình trong ánh điện đô thị mờ tối rồi chuyển sang một cảnh khác huyên náo hơn với tiếng còi hụ của xe cứu hỏa.
Một tòa chung cư bốc cháy dữ dội không rõ nguyên do. Và một cảm giác bất an bao trùm bộ phim với những bí mật chờ khai phá.
Cảm giác bất an đó được mở ra từ góc nhìn đầu tiên của người mẹ đơn thân Saori (Sakura Ando, nữ diễn viên từng đóng vai một người mẹ khác trong Shoplifters - bộ phim thắng giải Cành cọ vàng của Kore-eda năm 2018).
Sau cái chết của chồng, Saori hy sinh tất cả cuộc sống riêng tư hầu mang đến một cuộc sống yên bình và cách giáo dục mẫu mực cho cậu con trai đang học lớp 5 Minato (Soya Kurokawa đóng).
Trong đêm tòa nhà cách căn hộ của mẹ con cô không xa bị bốc cháy, Saori nghe phong thanh rằng thầy giáo Hori của con trai cô được nhìn thấy rời khỏi một tiệm mát xa gần đó. Dù không phán xét, nhưng có một chút gì đó hơi bất an trong đôi mắt của người mẹ.
Và cũng từ đêm đó, hành vi của cậu con trai Minato càng lúc càng trở nên kỳ lạ. Từ một cậu bé hiền lành ngoan ngoãn, Minato bắt đầu có những hành động bất thường và thậm chí còn tự gây thương tích cho bản thân.
Sự nghi ngờ của người mẹ càng lúc càng dâng lên cao khi cậu bé tiết lộ bị bạo hành ở trường và bị thầy giáo gọi là "não lợn".
Giận dữ, người mẹ đến trường để làm cho ra lẽ, nhưng đối diện với cô là một bà hiệu trưởng hành xử như robot với lời xin lỗi có vẻ nhẫn nhịn và cho rằng thầy giáo Hori có chút "tác động vật lý" không đáng kể.
Nhưng hành vi của Minato bắt đầu có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, như trốn vào một đường ống trong khu rừng gần đó và khi được mẹ chở về bằng xe hơi, cậu bé mở cửa xe và nhoài người ra bên ngoài khi xe đang chạy.
Nghĩ rằng đứa con mình bị bạo hành cả thể chất lẫn tinh thần và bị bà hiệu trưởng bao che, người mẹ càng giận dữ hơn và yêu cầu nhà trường cho sa thải thầy giáo Hori...
Khi bị dồn đuổi đến chân tường, thầy giáo Hori tiết lộ một sự thật động trời khác: có vẻ như Minato mới là kẻ bạo hành và "nạn nhân" của cậu là một học sinh cùng lớp Yori (Hinata Hiiragi), một cậu bé có cách hành xử như con gái và thường bị cả lớp kỳ thị vì điều đó.
Những điều không nói được bằng lời, hãy "thổi" nó ra
Góc nhìn thứ hai từ thầy giáo Hori, kẻ đang đứng trước nguy cơ ô uế thanh danh khi bị báo chí, mạng xã hội vào cuộc dần dần mở ra một sự thật khác.
Và câu chuyện này, ngoài "sự thật" mà thầy được chứng kiến qua cách hành xử kỳ lạ giữa Minato với Yori, còn phơi bày những góc nhìn về sự khắc nghiệt của ngành giáo dục Nhật Bản, nơi nghề giáo của anh bị đánh giá thấp ra sao.
Trong nỗ lực giải đáp những lời nói dối tai hại và những hiểu lầm nghiêm trọng có thể hủy hoại thanh danh của mình, thầy giáo Hori phát hiện ra một bí mật đau lòng về hai học sinh của mình...
Khi câu chuyện được kể lại một lần nữa ở góc nhìn thứ ba, kết hợp giữa góc nhìn của bà hiệu trưởng và Minato, khác với cách kể chuyện có vẻ ly kỳ bí ẩn của hai góc nhìn "từ bên ngoài", Kore-eda quay trở lại với phong cách dịu dàng điềm tĩnh của mình để phơi bày một sự thật khác, với một trái tim đầy trắc ẩn trước nỗi đau của con người.
Trong một cuộc nói chuyện giữa bà hiệu trưởng và Minato, bà nói: "Có những điều không nói ra được thành lời, hãy thổi nó ra".
Và khi Minato thổi chiếc kèn, một thứ âm thanh như tiếng vọng của con "quái vật" vang lên đầy giận dữ.
Âm thanh uất nghẹn đó, cùng với tiếng piano dịu dàng mà thấu hiểu của nhà soạn nhạc tài ba Ryuichi Sakamoto luôn vang lên ở những khoảnh khắc mà cảm xúc vừa "chín tới" khiến ta chỉ biết nhói lòng.
Đó cũng là lúc câu chuyện bi kịch này tiến dần đến những nút thắt cuối cùng của sự thật và mở ra một thế giới vừa mong manh vừa đầy thương tổn của cả người lớn lẫn trẻ con.
Nhưng đau lòng hơn cả, vẫn là những đứa trẻ con thuần khiết khi chúng bị cướp mất thiên đường của tuổi thơ vì những khuôn mẫu và định kiến khắc nghiệt trong một xã hội hiện đại Nhật Bản, một xã hội tưởng trọng đạo lý nhưng đôi khi lại quá cứng nhắc và nghiệt ngã.
Monster, ngoài giải Kịch bản xuất sắc còn thắng giải Queer Palm (Cành cọ vàng cho phim có đề cập đến các chủ đề LGBTQ+), phần nào đó, khá tương đồng với bộ phim Close của đạo diễn trẻ người Bỉ Lukas Dhont từng thắng giải thưởng lớn tại Cannes năm ngoái - đều khám phá một câu chuyện về hai đứa trẻ niên thiếu chịu nhiều tổn thương trước những định kiến khuôn mẫu giới và chuẩn mực xã hội.
Kore-eda, với phong cách nhạy cảm tinh tế thường thấy và một trái tim từ bi của đạo diễn theo đuổi chủ nghĩa nhân văn còn đưa bộ phim đi xa hơn khi để lại một cái kết tuyệt đẹp và bay bổng về mặt hình ảnh, nhưng lại tàn phá cảm xúc của người xem trước một thảm kịch đau lòng mà không biết phải đổ lỗi cho ai.
Ai là con quái vật trong một thế giới quá mong manh và quá nhiều thương tổn này?
Tác phẩm điện ảnh "Monster" của đạo diễn, nhà biên kịch Nhật Bản Hirokazu Kore-eda gây sốt tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76.