Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Tất Thắng, cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại họp báo giới thiệu Triển lãm ILDEX Việt Nam 2024 được tổ chức sáng 28-7 ở Hà Nội.
Theo ông Thắng, ngành chăn nuôi có vị trí quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Trong đó, ngành chăn nuôi đóng góp đến 17% tổng GDP nông nghiệp, với hàng chục triệu hộ chăn nuôi.
"Trong những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển rất ấn tượng cả về số lượng, sản lượng và an toàn thực phẩm. Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ đang có xu hướng chuyển dịch sang chăn nuôi quy mô lớn, chuyên nghiệp hơn. Ngày càng nhiều quy mô trang trại lớn trong khu vực và thế giới", ông Thắng nói.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Chăn nuôi cũng cho hay hiện đơn vị đã tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi trong thời gian tới. Trong đó tập trung hỗ trợ chăn nuôi bền vững từ giống, thức ăn, môi trường công nghệ đến thị trường.
Đặc biệt, đất chăn nuôi cũng đã được đưa vào dự thảo Luật Đất đai để ngành chăn nuôi được sử dụng đất, phát triển quy mô.
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, hiện nay ngành chăn nuôi đang có nhiều cơ hội phát triển.
"Thời gian qua, một loạt văn bản pháp luật, chính sách đã được ban hành nằm hỗ trợ ngành chăn nuôi. Đặc biệt, đến nay Việt Nam đã ký kết 18 hiệp định thương mại tự do, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường mở và trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, dân số Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng lên 105 triệu dân vào năm 2030. Đây là thị trường tiêu thị thịt, trứng, sữa lớn.
Dự báo đến năm 2030, trung bình mỗi người Việt sẽ tiêu thụ hơn 51kg thịt xẻ mỗi năm. Trong đó có 31kg thịt heo, hơn 16kg thịt gà và hơn 4kg thịt bò.
Ngoài ra, lĩnh vực chăn nuôi đang thu hút đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài và trong nước. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến nay nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chăn nuôi lên tới 2,2 tỉ USD, chiếm 12% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam năm 2022", ông Sơn nói.
Tuy nhiên theo ông Sơn, ngoài những cơ hội phát triển, ngành chăn nuôi cũng đối diện với nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, con giống, thiết bị chăn nuôi từ nước ngoài. Điều này khiến giá thành sản xuất trong nước bị đội lên.
Cụ thể, có tới 80 - 90% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, gần 100% giống heo, gà công nghiệp lông trắng, giống bò sữa, bò thịt cao sản và 80% vắc xin cho vật nuôi phải nhập khẩu.
"Ngoài ra, ngành chăn nuôi cũng gặp các thách thức như thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bấp bênh; dịch bệnh; ô nhiễm chất thải chăn nuôi; sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội, hộ chăn nuôi…", ông Sơn nêu.
Tháng 5-2023, các hoạt động nông nghiệp chính gồm chăm sóc lúa đông xuân tại phía Bắc; xuống giống lúa hè thu phía Nam. Chăn nuôi phát triển khá, dịch bệnh được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp ổn định, nuôi trồng thủy sản đạt kết quả tích cực.