Ông Putin phát biểu về ngũ cốc tại phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi ngày 27-7. Hội nghị dự kiến kéo dài 2 ngày với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia châu Phi tại thành phố St. Petersburg tại Nga.
Nga tặng ngũ cốc cho châu Phi
Trong khi thảo luận về việc không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, ông Putin đã hứa sẽ vận chuyển ngũ cốc miễn phí đến 6 quốc gia châu Phi.
"Tôi đã nói rằng chúng tôi có thể thay thế ngũ cốc của Ukraine, cả về mặt thương mại và mặt viện trợ không hoàn lại cho các nước châu Phi đang có nhu cầu cấp thiết", Hãng tin AP dẫn lời ông Putin.
Nga dự tính viện trợ 50.000 tấn ngũ cốc cho Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Eritrea và Cộng hòa Trung Phi trong vòng 3-4 tháng tới.
Cũng trong ngày 27-7, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres tuy không đề cập trực tiếp tới lời hứa của ông Putin, nhưng đã chỉ trích chung về vấn đề viện trợ ngũ cốc cho các nước đang phát triển.
Theo ông Guterres, việc này không thể bù đắp cho tác động của việc Nga cắt xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Hai quốc gia này đang là nhà cung cấp ngũ cốc chính cho toàn cầu.
Ông Guterres cho biết việc ngũ cốc Ukraine rút khỏi thị trường sẽ khiến giá ngũ cốc tăng cao.
"Mọi người, mọi nơi đều phải trả mức giá cao hơn, đặc biệt ảnh hưởng đến các nước đang phát triển nơi người dân có thu nhập trung bình" - ông Guterres chỉ ra.
Đồng quan điểm, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết lời hứa tặng ngũ cốc cho châu Phi của Nga không bù đắp được cho việc rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
"Vài khoản quyên góp cho một số quốc gia không thể thay thế hàng triệu tấn ngũ cốc xuất khẩu có vai trò ổn định giá lương thực trên toàn cầu", bà Karine Jean-Pierre nhận định.
Cả Nga và Ukraine đều là những nước cung cấp lượng lớn ngũ cốc. Một năm trước, hai nước này đã đồng ý về một thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, mở lại ba cảng Biển Đen của Ukraine bị phong tỏa do giao tranh và đảm bảo rằng các tàu vào cảng sẽ không bị tấn công.
Nga đã từ chối gia hạn thỏa thuận vào tuần trước, phàn nàn rằng phần thỏa thuận liên quan đến Nga không được thực hiện.
Triển vọng Nga - Phi
Theo Hãng tin AP, việc xuất khẩu thực phẩm Nga sang châu Phi có thể giúp củng cố mối quan hệ giữa Matxcơva với lục địa 1,3 tỉ dân đang ngày càng có ảnh hưởng trên trường quốc tế.
54 quốc gia châu Phi tạo thành khối có nhiều phiếu bầu nhất tại Liên Hiệp Quốc, nhưng cũng là khối bị chia rẽ hơn bất kỳ khu vực nào khác.
Ngày 27-7, ông Putin đã công bố một số biện pháp để tăng cường quan hệ với châu Phi, bao gồm tăng tuyển sinh sinh viên châu lục này vào các trường đại học Nga và mở văn phòng cơ quan truyền thông nhà nước Nga ở nhiều nước châu Phi.
Cố vấn đối ngoại của tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov, cho biết có 17 nguyên thủ quốc gia châu Phi tham dự hội nghị, 32 quốc gia khác cử quan chức cấp cao hoặc đại sứ.
Theo Điện Kremlin, phương Tây đã tạo áp lực nhằm ngăn cản các nước châu Phi tham dự, khiến số lượng các nhà lãnh đạo châu lục này tại hội nghị giảm hơn nhiều so với con số 43 nguyên thủ của năm 2019.
Cùng với ngũ cốc, một vấn đề khác nằm trong chương trình nghị sự là tập đoàn lính đánh thuê Wagner, do ông Yevgeny Prigozhin lãnh đạo. Tương lai của Wagner là vấn đề cấp bách đối với các quốc gia như Sudan, Mali và các nước khác ký hợp đồng với đơn vị này.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 24-7 khẳng định Nga đủ khả năng thay thế nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine ở châu Phi, đồng thời chỉ trích phương Tây chặn Nga tiếp tế phân bón cho các nước nghèo.