Theo Đài CNN ngày 27-7, thành phố Onomichi, tỉnh Hiroshima, Nhật Bản đã thực hiện một cuộc khảo sát người dân vào năm 2017. Sau đó họ dùng kết quả khảo sát để làm tờ rơi dành cho phụ nữ mang thai, phát đi rộng rãi cho người dân địa phương.
Tờ rơi gây phẫn nộ
“Có nhiều khác biệt trong cách đàn ông và phụ nữ cảm nhận và suy nghĩ. Một trong những nguyên nhân xuất phát từ cấu trúc khác biệt trong não đàn ông và phụ nữ. Được biết nam giới thường hành động dựa trên lý thuyết, trong khi phụ nữ hành động dựa trên cảm xúc”, tờ rơi này viết.
Nội dung của tờ rơi khẳng định “điều quan trọng là hiểu sự khác biệt của nhau và phân chia vai trò hợp lý”, rồi tuyên bố các ông chồng và những người mới làm cha thường thích được cảm ơn vì phụ giúp các công việc đơn giản như rửa chén, thay tã cho con hay bế bé.
Tờ rơi này cũng cho rằng người vợ có thể làm chồng mình khó chịu nếu họ “bận bịu chăm con và không làm việc nhà”, khuyên phụ nữ đừng "vô cớ thấy mệt mỏi".
Tờ rơi của Onomichi kết luận rằng có rất nhiều điều một người mới làm mẹ cần làm để chiều lòng chồng mình, bao gồm xoa bóp cho chồng, chuẩn bị bữa trưa mỗi ngày, chăm sóc con cái và việc nhà, chào đón chồng khi đi làm về và luôn “nở nụ cười”.
Truyền thông địa phương tuần này đã khơi dậy sự chú ý đối với tờ rơi trên. Mạng xã hội ngay sau đó đã bùng nổ sự tức giận đối với nội dung của tờ rơi.
“Thật quá tệ khi chính quyền địa phương lan truyền ý tưởng chăm con là việc của người mẹ và sự phụ thêm của người cha là giúp đỡ cho người mẹ.
Tôi muốn chính quyền địa phương nâng cao nhận thức rằng người cha cũng là một thành viên chính trong việc chăm sóc con cái”, một người viết trên Twitter.
Chính quyền xin lỗi
Ngày 25-7, Thị trưởng Yukihiro Hiratani của Onomichi đã công bố lời xin lỗi trên trang web của chính quyền địa phương.
Ông Hiratani khẳng định tờ rơi này “không phù hợp với cảm nhận của phụ nữ mang thai, đang chăm con và những người tham gia vào việc nuôi trẻ, có thể đem lại cảm giác khó chịu cho nhiều người”.
Thị trưởng thành phố nói thêm chính quyền Onomichi sẽ ngừng phát hành tờ rơi này vì chúng “mang các diễn đạt khuyến khích thái độ và hành vi đóng khung vai trò giới”.
Trong khi đó, một số người dùng mạng chỉ ra rằng, dù mang nội dung chống lại phái nữ, tờ rơi trên thực chất đại diện cho các quan niệm lỗi thời về giới ở Nhật Bản, cũng như gánh nặng bất công đối với phụ nữ ở quốc gia này. Sự bất công đó được cho là một nguyên nhân khiến tỉ lệ sinh ở Nhật Bản liên tục giảm xuống.
Theo một báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Nhật Bản hiện vẫn là một xã hội gia trưởng và bảo thủ, xếp hạng 125 trong số 146 nước.
Cũng theo WEF, mức bình đẳng giới trong chính trị tại Nhật Bản cũng thuộc nhóm thấp nhất thế giới, với phụ nữ chỉ chiếm 10% số ghế trong quốc hội.
Ngoài ra, cơ cấu gia đình kiểu truyền thống vẫn khiến nhiều nam giới và nữ giới Nhật Bản gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình. Người mẹ thường phải hy sinh việc làm để chăm sóc con cái.
Với dân số ngày càng giảm và hơn 10 triệu căn nhà bỏ hoang, nhiều khách hàng "tò mò" đã bắt đầu tìm đến những ngôi nhà được gọi là akiya với giá 0 đến khoảng 25.000 USD.