Ngày 28-7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức hội thảo góp ý về định mức chi phí tái chế và chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu ở Việt Nam.
Doanh nghiệp phải đóng tới 6.127 tỉ đồng phí tái chế mỗi năm
Theo khảo sát của Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA), tất cả các doanh nghiệp đều ủng hộ việc tái chế bao bì, tận dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, tuy nhiên tới 80% doanh nghiệp cho biết còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện.
Theo bà Chu Thị Vân Anh - phó chủ tịch VBA, dù dự thảo ngày 26-7 đã có điều chỉnh giảm một số định mức chi phí tái chế nhưng định mức tái chế (Fs) của Việt Nam vẫn cao hơn trung bình 14 nước Tây Âu là các nước rất phát triển. Ví như Fs dự thảo của nhôm cao gấp 1,26 lần, của thủy tinh cao hơn 2,12 lần.
"Fs cao và bất hợp lý nếu được ban hành sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của doanh nghiệp. Đặc biệt trong tình trạng kinh tế khó khăn như hiện nay khi riêng 6 tháng đầu năm đã có đến 100.000 doanh nghiệp phải đóng cửa, và số người thất nghiệp đã lên tới 1,07 triệu người", bà Vân Anh nhấn mạnh.
Nếu tính theo dự thảo quy định chỉ riêng 3 loại bao bì chính là giấy, nhựa và kim loại, các doanh nghiệp sẽ phải đóng 6.127 tỉ đồng mỗi năm.
Điều đáng nói, bà Vân Anh cho biết những bao bì làm bằng kim loại, giấy các tông, nhựa cứng… đang được tái chế gần như hoàn toàn, không có nguy cơ đến môi trường, các nhà tái chế đều đang có lãi thì sao phải tài trợ cho họ nữa.
Do đó, bà Vân Anh đề xuất áp dụng hệ số điều chỉnh 0 hoặc 0,1 cho các bao bì, sản phẩm có giá trị vật liệu thu hồi cao hơn chi phí tái chế như kim loại, giấy các tông, nhựa cứng theo đúng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.
Với các vật liệu khác, đề nghị áp dụng hệ số 0,2 cho chai lọ thủy tinh áp dụng hệ số 0,2 hoặc 0,3 cho giấy hỗn hợp, hệ số 0,3 cho bao bì đơn vật liệu mềm, 0,5 cho bao bì đa vật liệu mềm để Fs không bị quá cao.
Chi phí này xấp xỉ với mức Fs của các nước Đông Âu và giống tính toán của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO) theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.
Phí tái chế chiếm 40% lợi nhuận doanh nghiệp?
Tương tự, ông James Ollen - giám đốc điều hành của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam TP.HCM (AmCham Việt Nam) - lo ngại định mức chi phí tái chế cao sẽ dẫn đến việc giá cả hàng hóa tăng cao. Điều này không chỉ gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.
Ông James Ollen kiến nghị các bao bì, sản phẩm có giá trị tái chế cao chỉ nên để hệ số 0,1 để hỗ trợ việc thu gom, tái chế ở vùng sâu, vùng xa, nhưng không nên cao hơn mức này.
Bên cạnh đó, giám đốc Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam TP.HCM cũng kiến nghị cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế đối với một loại bao bì, sản phẩm trong cùng năm, thay vì bắt buộc chọn một trong hai hình thức, để doanh nghiệp có thể thực hiện đầy đủ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất theo mong muốn của Chính phủ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hồng Mỹ - tổng thư ký Hiệp hội Nhựa - cho biết ngành bao bì nhựa là ngành gia công với công nghệ đơn giản, dễ làm nên biên lợi nhuận rất thấp, chỉ xoay quanh khoảng 5%, hay khoảng 10 tỉ đồng/năm cho doanh nghiệp có quy mô trung bình 200 tỉ doanh số mỗi năm. Với mức phí Fs như đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chỉ riêng tiền đóng góp tái chế đã chiếm gần 40% lợi nhuận của doanh nghiệp.
"Lãi đã ít, đóng góp lại lớn, ngành nhựa Việt nam đứng trước nguy cơ chưa kịp lớn đã teo tóp", bà Mỹ nói.
Ông Phan Tuấn Hùng - vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết chi phí tái chế được tính dựa vào khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp tái chế. Ở chiều còn lại, các doanh nghiệp tái chế phản ánh chi phí này còn thấp.
Về vấn đề định mức tái chế đang cao hơn so với trung bình các nước, ông Nguyễn Minh Khoa - cán bộ Văn phòng EPR quốc gia - cho biết việc so sánh định mức tái chế (Fs) với các nước trên thế giới chỉ mang tính tham khảo bởi cơ cấu, cách thức tính phí, mục tiêu về tài chính, môi trường rất khác nhau.
Phiên chợ đồ cũ Hành động xanh được tổ chức nhằm lan tỏa tinh thần tiêu dùng xanh, sống xanh, 3T (tái sử dụng, tiết giảm, tái chế), góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.