Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản xin ý kiến UBND TP về việc chấp thuận phương án khai thác, chủ trương xây dựng tiêu chí và thành lập tổ công tác lựa chọn doanh nghiệp khai thác hoạt động tuyến phà nối TP.HCM với tỉnh Tiền Giang.
Theo kế hoạch, tuyến phà này có chiều dài khoảng 12km, từ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ đi thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và ngược lại. Kinh phí đầu tư ước tính khoảng 114 tỉ đồng. Dự kiến được đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất xây dựng tiêu chí để lựa chọn doanh nghiệp có năng lực, bảo đảm tính công khai, minh bạch, không lập dự án đầu tư và sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Theo sở này, trên địa bàn TP cũng đã triển khai mô hình tương tự tại bến khách ngang sông Cần Giờ - Cần Giuộc, đưa vào hoạt động từ tháng 8-2018 và tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu đưa vào hoạt động từ tháng 12-2020.
Doanh nghiệp được lựa chọn sẽ thực hiện việc thuê cầu bến, bố trí phương tiện vận chuyển hành khách - hàng hóa (đáp ứng được nhu cầu chở người, hàng hóa, xe máy, xe ô tô).
Đồng thời, doanh nghiệp cần bảo đảm tuyến vận tải này hoạt động ổn định, tuyệt đối an toàn. Cơ quan nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục để cấp phép hoạt động, khai thác tuyến.
Sau khi được chấp thuận về phương án khai thác, chủ trương xây dựng tiêu chí và thành lập tổ công tác để xây dựng tiêu chí, thẩm định, đánh giá hồ sơ và lựa chọn doanh nghiệp khai thác tuyến, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ triển khai việc khai thác tuyến trong quý 2-2024.
Hiện nay, Cần Giờ có 3 tuyến phà vận chuyển ô tô, kết nối Cần Giờ với Nhà Bè, Cần Giuộc (tỉnh Long An) và Vũng Tàu (TP Vũng Tàu). Trong khi đó, tuyến vận tải cố định bằng đường thủy từ Cần Giờ đi tỉnh Tiền Giang chỉ khai thác bằng tàu gỗ, trọng tải thấp, không vận chuyển ô tô.
Nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa, tăng cường kết nối từ Cần Giờ đi các tỉnh bằng đường thủy, tạo điều kiện đột phá phát triển kinh tế - xã hội và du lịch Cần Giờ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đánh giá việc khai thác tuyến phà biển chở ô tô, hành khách, hàng hóa và xe máy từ Cần Giờ đi tỉnh Tiền Giang và ngược lại là rất cần thiết.
Mặt khác, khai thác tuyến vận tải hành khách, hàng hóa theo tuyến cố định bằng phà biển từ Cần Giờ đi tỉnh Tiền Giang và ngược lại sẽ phát triển vận tải hành khách, hàng hóa, giảm áp lực cho vận tải đường bộ, giảm ùn tắc giao thông.
Rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm 50 phút từ Cần Giờ về Tiền Giang
Hiện nay, kết nối giao thông bằng đường thủy giữa huyện Cần Giờ, TP.HCM và huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang thông qua 3 tuyến vận tải hành khách, hàng hóa cố định trên sông Soài Rạp.
Cụ thể là các tuyến: từ bến Long Hòa - bến Vàm Láng và ngược lại; từ bến Lý Nhơn - bến Kênh Hội Đồng Huyền và ngược lại; từ bến Lý Thái Bửu - bến Cổng Kênh Ngay và ngược lại.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM và Tiền Giang, khi tuyến phà Cần Giờ - Tiền Giang đi vào hoạt động, kết hợp với các tuyến phà hiện hữu như Bình Khánh, Cần Giờ - Vũng Tàu sẽ tạo điều kiện cho Cần Giờ kết nối thuận lợi với các tỉnh lân cận.
Mặt khác, tuyến phà Cần Giờ - Tiền Giang cũng tạo điều kiện phát triển vận tải hành khách và hàng hóa từ Tiền Giang về TP.HCM và ngược lại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương. Đặc biệt, tuyến phà này sẽ rút ngắn cự ly, giảm thời gian di chuyển từ Tiền Giang đi TP.HCM, TP Vũng Tàu và ngược lại.
Sau khi có phà từ tỉnh Tiền Giang đi Cần Giờ và ngược lại sẽ rút ngắn được khoảng cách 40km, tiết kiệm thời gian từ 40-50 phút. Từ tỉnh Tiền Giang đi TP Vũng Tàu và ngược lại sẽ rút ngắn khoảng cách từ 52-68km, tiết kiệm thời gian từ 45-65 phút.
Đứng trước thời cơ vàng, các chuyên gia đề xuất phải làm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TP.HCM) càng sớm càng tốt, đừng để đánh mất cơ hội.