Ngày 28/7, sau 18 ngày làm việc, Tòa án Nhân dân Tp.Hà Nội tuyên án đối với 54 bị cáo trong vụ đại án “chuyến bay giải cứu” về các tội “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong đó 10 bị cáo dưới đây là có mức án cao nhất:
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng. Mức án: Chung thân.
Bị cáo Vũ Anh Tuấn, cựu Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận hối lộ hơn 27 tỷ đồng. Mức án: Chung thân.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng. Mức án: Chung thân.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên Bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 18,8 tỷ đồng. Mức án: Chung thân.
Bị cáo Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Thái Hòa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 5,7 tỷ đồng và đưa hối lộ gần 800 triệu đồng. Tổng hình phạt: 18 năm tù.
Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng. Mức án: 16 năm tù.
Bị cáo Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 12 tỷ đồng. Mức án: 12 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, đưa hối lộ hơn 100 tỷ đồng. Mức án: 11 năm tù.
Bị cáo Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, đưa hối lộ hơn 100 tỷ đồng. Mức án: 10 năm tù.
Bị cáo Vũ Sỹ Cường, cựu cán bộ Phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an nhận hối lộ hơn 9 tỷ đồng. Mức án: 9 năm tù.
Với các bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, Vũ Anh Tuấn, Tô Anh Dũng, Đỗ Hoàng Tùng, mức án mà HĐXX tuyên phạt đều cao hơn mức đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát.
Lý giải về điều này, HĐXX cho rằng, đây đều là những người nhận hối lộ nhiều lần với số tiền rất lớn, đặc biệt lớn gây bức xúc cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến thực hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước và hình ảnh của đội ngũ cán bộ công chức. Do đó, cần có hình phạt nghiêm, cao hơn mức đề nghị của Viện kiểm sát tại phiên toà mới đủ tác dụng giáo dục, răn đe tội phạm nguy hiểm này; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Với bị cáo Hoàng Văn Hưng, mức án mà HĐXX tuyên phạt cũng cao hơn mức đề nghị của Viện Kiểm sát. Về việc này, HĐXX nhận định: Hành vi của Hoàng Văn Hưng là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Bản thân là người từng công tác trong cơ quan pháp luật do đó Hưng nhận thức được rõ hành vi vi phạm pháp luật của mình. Trong quá trình điều tra, Hưng đã không thành khẩn khai báo, đưa ra các thông tin gian dối, không trung thực, vu cáo cơ quan tố tụng. Số tiền Hưng chiếm đoạt rất lớn và chưa trả lại cho người bị hại.
Bên cạnh đó, Hoàng Văn Hưng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ quan Nhà nước và lực lượng Công an. Do đó cần có hình thức xử phạt nghiêm minh để tạo tính răn đe cho xã hội. Với mức độ nghiêm trọng trong hành vi phạm tội, thái độ ngoan cố của bị cáo, HĐXX cho rằng phải có mức hình phạt cao hơn đối với Hoàng Văn Hưng so với mức Viện Kiểm sát đề xuất.
Bị cáo Trần Minh Tuấn cũng bị tuyên mức án cao hơn so với đề xuất của đại diện Viện Kiểm sát do đến cuối cùng vẫn không thừa nhận hành vi phạm tội, bác bỏ cáo trạng.
Với bị cáo Phạm Trung Kiên, mức án HĐXX tuyên thấp hơn mức án mà đại điện Viện Kiểm sát trước đó (tử hình). HĐXX nhận định: Căn cứ vào hành vi, thủ đoạn phạm tội, thái độ không thành khẩn của Kiên trong quá trình điều tra, số lần và số tiền Kiên đã nhận hối lộ đặc biệt lớn, mức án tử hình mà đại diện Viện Kiểm sát đề xuất là hoàn toàn phù hợp, đúng người, đúng tội.
Tuy nhiên, căn cứ các tình tiết giảm nhẹ, nhất là việc Kiên đã thay đổi thái độ, khai báo thành khẩn tại phiên tòa, ăn năn hối cải, bị cáo và gia đình đã khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ, HĐXX cho rằng không cần thiết phải loại bỏ vĩnh viễn Phạm Trung Kiên ra khỏi xã hội, một mức án thấp hơn đã đủ sức răn đe, giáo dục với bị cáo và tạo ra bài học đối với xã hội.