Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM năm 2023 được xem là kỳ thi căng thẳng hơn cả thi đại học vì các trường THPT công lập chỉ lấy 70% học sinh vào học lớp 10 trong tổng số 109.000 học sinh lớp 9 trên địa bàn. Tính cả số thí sinh bỏ thi và số học sinh không đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10, năm nay vẫn có gần 20.000 học sinh ở TP.HCM rớt lớp 10 công lập.
Đậu nhưng không nhập học
Thời điểm này, khi đa số các trường THPT ở nội thành TP.HCM đều đã hoàn tất thủ tục nhận hồ sơ nhập học lớp 10 thì nhiều trường THPT vùng ven, ngoại thành vẫn đang... chờ học sinh.
"Đến ngày 24-7, trường chúng tôi mới có 713 học sinh làm thủ tục nhập học lớp 10 trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 859 em. Năm trước, số học sinh chính thức vào học lớp 10 cũng xêm xêm như năm nay" - cô Nguyễn Thị Thanh, hiệu trưởng Trường THPT Bình Chiểu, TP Thủ Đức, cho biết.
Theo cô Thanh, mặc dù Trường THPT Bình Chiểu thuộc địa phận TP Thủ Đức nhưng có rất nhiều học sinh ở quận 12, Gò Vấp... đăng ký nguyện vọng và thi đậu vào trường.
"Có phụ huynh đến ngày đi nộp hồ sơ cho con mới biết trường nằm ở vị trí nào. Họ nói đường đi quá xa, không thể kham nổi trong suốt ba năm học nên quyết định không nộp hồ sơ. Có phụ huynh tính toán đoạn đường đi từ nhà đến trường là 12km có thể chấp nhận được, nhưng con họ đi từ hướng quận 12 qua Thủ Đức phải đi quốc lộ 1. Đường này có nhiều xe tải nên rất nguy hiểm. Họ đã nộp hồ sơ nhưng xin rút lại vì thấy không ổn...
Nắm bắt được thực trạng trên, Trường THPT Bình Chiểu đã tổ chức xe đưa đón học sinh. Trong đó, Nhà nước trợ giá một phần kinh phí và mỗi học sinh sẽ đóng 500.000 đồng/tháng. Vậy nhưng nhiều phụ huynh vẫn không cho con học vì không muốn đóng thêm một khoản phí", cô Thanh thông tin.
Tương tự, đến thời điểm này, Trường THPT An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, mới nhận được 675 hồ sơ trong khi chỉ tiêu tuyển là 821 học sinh lớp 10.
"Con số này đã cao hơn năm trước khá nhiều nên chúng tôi mừng lắm. Lý do học sinh không nhập học vì đoạn đường từ nhà đến trường quá xa. Nhà trường nằm trên địa bàn xã An Nhơn Tây nhưng học sinh ở tận xã Trung An, Tân Thông (huyện Củ Chi), ở quận 12 và huyện Hóc Môn cũng đăng ký nguyện vọng vào đây. Trong đó, có rất nhiều em cho biết là phải đi 20km mới đến trường" - cô Nguyễn Thị Hoa Huệ, hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây, chia sẻ.
Hiện TP.HCM vẫn còn khá nhiều trường chưa tuyển sinh lớp 10 đủ chỉ tiêu như THPT Nguyễn Văn Linh ở quận 8, THPT Phong Phú và Đa Phước ở huyện Bình Chánh, THPT Nguyễn Văn Tăng và Long Trường ở TP Thủ Đức...
Nhiều câu hỏi
Có một đặc điểm chung là đa số các trường THPT kể trên đều có điểm chuẩn vào lớp 10 công lập khá thấp. Như Trường THPT An Nhơn Tây có điểm chuẩn 10,5 (điểm chuẩn lớp 10 là tổng điểm ba môn thi toán, văn, ngoại ngữ), THPT Phong Phú 11 điểm, THPT Nguyễn Văn Tăng 11,75 điểm, THPT Nguyễn Văn Linh 11,25 điểm...
Đối lập với tình trạng trên thì ở nội thành TP.HCM, nhiều học sinh đã rớt khỏi danh sách trúng tuyển vào lớp 10 công lập mặc dù đạt 17 - 18 điểm.
Về nguyên tắc, học sinh được đăng ký thi tuyển vào bất kỳ trường THPT nào mà mình mong muốn.
Tuy nhiên, năm nay, trong văn bản hướng dẫn về tuyển sinh lớp 10, Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý: "Đối với những trường hợp học sinh đăng ký nguyện vọng tuyển sinh lớp 10 xa nơi cư trú, hiệu trưởng trường THCS sẽ tư vấn riêng với phụ huynh. Biên bản tư vấn sẽ được lập thành ba bản và ghi rõ thông tin người tham gia tư vấn, nội dung tư vấn. Trong đó, phụ huynh cần chứng minh điều kiện đảm bảo cho học sinh học tập tại trường THPT khi trường quá xa nơi cư trú, đảm bảo học sinh không thay đổi nguyện vọng khi đã trúng tuyển"...
Nhưng trên thực tế, tình trạng học sinh đăng ký nguyện vọng vào trường THPT ở xa nơi cư trú vẫn xảy ra. Có phải vì công tác tư vấn chọn nguyện vọng lớp 10 công lập chưa được các trường THCS thực hiện một cách rốt ráo?
Hơn thế nữa, tình trạng "kẻ ăn không hết, người lần không ra" trong công tác tuyển sinh lớp 10 không phải năm nay mới xuất hiện mà nó đã tồn tại từ nhiều năm. Tại sao như vậy? Có phải vì việc giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 chưa phù hợp giữa khu vực nội và ngoại thành? Hay công tác phân luồng học sinh sau THCS chưa thực sự hiệu quả?
Sau học kỳ 1 là "mất" học sinh
Mấy năm gần đây, nhiều học sinh ở nội thành TP.HCM nhưng đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 các trường THPT ở vùng ven, ngoại thành. Lý do vì các trường ngoại thành có điểm chuẩn thấp hơn nhiều so với trường ở nội thành.
Quy định của Sở GD-ĐT TP là học sinh không được chuyển đổi nguyện vọng sau khi có kết quả thi lớp 10. Để "lách" quy định này, học sinh sẽ học hết học kỳ 1 lớp 10 rồi xin chuyển trường về nội thành với lý do không thể đi học quá xa.
Thế nên, cứ sau học kỳ 1 là trường chúng tôi "mất" khá nhiều học sinh do chuyển trường. Từ năm học trước, Sở GD-ĐT TP đã giao cho hiệu trưởng các trường THPT quyết định việc chuyển trường của học sinh. Chúng tôi sẽ cương quyết không giải quyết cho học sinh chuyển trường nếu không có lý do chính đáng. Đây cũng là một lý do khiến học sinh ngần ngại, không nộp hồ sơ nhập học lớp 10 ở trường xa nhà.
(hiệu trưởng một trường THPT ở ngoại thành TP.HCM)
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa giao bổ sung 3.339 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024 cho 34 cơ sở giáo dục tại thủ đô.