Đó là cảnh báo của các chuyên gia tham gia hội thảo "Mekong mùa mưa 2023 - Nước ở đâu?", do Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ) tổ chức vào ngày 27-7.
Mực nước xuống cực thấp
Các chuyên gia cho biết nếu không được bổ sung nước, dòng chảy của sông Mekong sẽ cực kỳ thấp trong mùa mưa năm nay. Hệ quả là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bị hạn hán và xâm nhập mặn trong đầu năm 2024.
Theo ông Ông Brian Eyler - nhà nghiên cứu cao cấp và là giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, 55 đập thủy điện trên dòng chính và phụ lưu của sông Mekong đã tích trữ tổng cộng hơn 1 tỉ m3 nước từ ngày 10 đến 23-7 năm nay.
Trong đó, lượng tích trữ lớn nhất là vào đập Tiểu Loan ở Trung Quốc. Ước tính, mực nước hồ chứa của đập này đã tăng lên khoảng 17m trong một tuần, lên mức 2,09 triệu km3 nước (và mới đầy khoảng 19% công suất hồ chứa).
Trong cùng thời gian, Đập Nọa Trát Độ (Trung Quốc) xả hơn 350 triệu m3 nước để phát điện, nhưng con số này không đủ bù cho lượng nước tích trữ ở đập Tiểu Loan và 15 đập khác trên khắp lưu vực.
Các chỉ số về độ ẩm cho thấy hầu như toàn bộ lưu vực sông Mekong đang trải qua tình trạng khô nóng nghiêm trọng. Hạn hán rõ rệt nhất là ở phía nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía bắc Lào, đông bắc Thái Lan và khu vực Biển Hồ (Tonle Sap) ở Campuchia. Độ ẩm thấp, ít mưa kết hợp với việc các đập thủy điện bắt đầu tích trữ nước đang khiến mực nước sông xuống mức cực thấp.
Việc đập Nọa Trát Độ xả nước giúp mực nước sông tăng lên khoảng 1m dọc theo biên giới Thái Lan/Lào trong thời gian ngắn nhưng nhìn chung mực nước sông Mekong ở thời điểm này đang thấp hơn bình thường 2-3m trên toàn lưu vực.
Nếu không được bổ sung nước, mực nước sông Mekong trong mùa mưa năm 2023 sẽ rất thấp, tương đương với mực nước thấp giai đoạn từ năm 2019 - 2021 (là những năm từ khô đến rất khô hạn trước đây).
"Dự báo về lưu lượng nước trên sông Mekong năm nay sẽ không tươi sáng. Tháng 7 là thời điểm các đập thủy điện bắt đầu trữ nước vào hồ chứa. Trong bối cảnh vùng hạ lưu đang có lưu lượng nước thấp, việc tích nước của đập thủy điện sẽ làm tăng nguy cơ dòng chảy thấp trên sông Mekong" - ông Brian Eyler nhận định.
Người dân cần trữ nước sinh hoạt
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia độc lập về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai, cho biết hiện tượng El Nino đã phát triển từ giữa năm 2023 dự báo sẽ kết thúc vào tháng 4-2024. Tuy El Nino lần này không mạnh bằng giai đoạn năm 2015 - 2016 (nhiệt độ tăng lên từ 1,5 đến 1,8oC, thấp so với mức tăng 2,6oC hồi năm 2015 - 2016) nhưng vẫn sẽ nghiêm trọng.
Dự đoán hầu hết các khu vực sẽ có ít mưa trong giai đoạn từ tháng 8-2023 đến tháng 4-2024 so với năm bình thường. Sẽ có hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra ở vùng hạ lưu sông Mekong từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Tiến sĩ Huy cho biết năm 2015 - 2016 người dân ở ĐBSCL chưa sẵn sàng và ít có kinh nghiệm ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Khi đó, 18 tỉnh ở Việt Nam bị ảnh hưởng với thiệt hại có thể nói là nặng nề. Tuy nhiên, sau đó người dân đã rút ra kinh nghiệm ứng phó. Bằng chứng là năm 2020, nhờ được cảnh báo sớm, người dân chậm xuống giống, chờ mưa và hạn chế ảnh hưởng của hạn hán đến mùa vụ.
Với xâm nhập mặn, ông Huy cho rằng đây là một thách thức rất lớn. Bài toán là làm sao đảm bảo đủ nước ngọt cho tất cả các lĩnh vực kinh tế ở ĐBSCL trong mùa khô.
"Việc người dân có thể làm ngay từ bây giờ để hạn chế tác động của xâm nhập mặn là trữ nước sinh hoạt vào các hồ, ao, bể chứa, lu khạp. Hãy trữ nước cho ít nhất ba tháng vì dự báo xâm nhập mặn có thể kéo dài từ tháng 1, 2, 3 năm sau. Ưu tiên đầu tiên là trữ nước uống và sinh hoạt cho người và động vật", ông Huy trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ tại hội thảo.
Các đập cần hạn chế tích nước
Với các thách thức do thiếu nước, khô hạn xảy ra ngay trong mùa mưa 2023, một lần nữa câu hỏi là các đập thủy điện trên sông Mekong cần hoạt động thế nào để không làm trầm trọng hơn tình trạng hạn hán ở hạ nguồn?
Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng giải pháp cho thách thức của năm nay là các nhà vận hành đập cần hạn chế tích nước để sông Mekong nhận được càng nhiều nước càng tốt nhằm duy trì nhịp lũ mùa mưa.
Tăng cường chia sẻ dữ liệu, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ người dân trước những biến động của dòng sông, đó là những mục tiêu chung của các quốc gia cùng chia sẻ nguồn nước sông Mekong.