Nhà kinh tế học Harry Murphy Cruise của Moody’s Analytics đã mô tả tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong quý trước là "kết quả đáng lo ngại".
Trước đó, chính phủ Trung Quốc đã dự báo mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% nhưng các nhà phân tích cho rằng, đó là một sự đánh giá thấp khi xét đến việc sinh hoạt và tiêu dung được khôi phục bình thường sau dịch COVID-19. Bằng chứng là lượng người đổ về các khu chợ đã rất lớn vào cuối năm 2022.
Nhiều người tin rằng, nền kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng với tốc độ cao hơn. Trên thực tế, mức tăng trưởng của Trung Quốc trong quý II (từ tháng 4 đến tháng 6) là 6,3%, cao hơn mức 4,5% của quý I (từ tháng 1 đến tháng 3). Tuy nhiên, vẫn có nhiều điều cho thấy sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc còn mong manh.
Trong tháng 6, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 12,4% so với một năm trước đó, do nhu cầu toàn cầu chững lại sau khi các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc cũng đang thấp hơn, chỉ còn 3,1%. Tốc độ tăng trưởng 3,8% trong đầu tư tài sản cố định nửa đầu năm 2023 không đủ để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế như mong muốn của Trung Quốc.
Đầu tư vào phát triển bất động sản giảm 7,9% trong nửa đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, trong độ tuổi từ 16 đến 24, tăng lên mức kỷ lục 21,3% trong tháng 6.
Tăng trưởng công nghiệp là một trong những động cơ thúc đẩy chính của nền kinh tế Trung Quốc. Lĩnh vực này đang có mức độ tăng trưởng tốt hơn mong đợi. Sản lượng công nghiệp, đo lường trong các lĩnh vực sản xuất, khai thác mỏ và tiện ích, ghi nhận mức tăng trưởng 4,4% trong tháng 6, so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chỉ một mình lĩnh vực này tăng trưởng cao không làm cho sự tăng trưởng của cả nền kinh tế Trung Quốc bền vững.
Các quan chức Trung Quốc đã thừa nhận rằng, nền kinh tế đang phải đối mặt với những cơn gió ngược gay gắt và chính phủ sẽ điều chỉnh các chính sách để ổn định tăng trưởng.
Một số nhà phân tích dự báo rằng, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng không như kỳ vọng có thể làm cho nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, dẫn đến giá cả giảm và Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với tình trạng giảm phát.
Trong ba thập kỷ qua, sự tăng trưởng của Trung Quốc đã củng cố nền kinh tế toàn cầu và là một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu. Việc nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhưng mong manh khiến các nhà phân tích kinh tế quốc tế tỏ ý lo ngại rằng, nó sẽ kéo theo sự "bấp bênh" của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế châu Âu và một số khu vực khác cũng đang suy giảm.
Xem thêm: nhc.215558031927032881-hnam-gnom-ioh-cuhp-couq-gnurt-et-hnik/nv.fefac