Nhóm quốc gia đang phát triển ở châu Phi còn gọi là nhóm các quốc gia ở Nam bán cầu. Thượng đỉnh ở St. Petersburg đã mang đến nhiều kết quả giúp phát huy tối đa các lợi thế vượt trội của Nga ở châu Phi mà các đối thủ khác khó có thể đạt được.
Thông qua hội nghị thượng đỉnh lần này, Nga đã hướng đến ba mục tiêu chiến thuật. Thứ nhất, hội nghị thượng đỉnh giúp Nga muốn khẳng định không chủ trương gây thiệt hại đến an ninh lương thực ở châu Phi.
Quyết định rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen của chính quyền Tổng thống Putin từ ngày 17-7 đã khiến nguồn cung ngũ cốc của Ukraine bằng đường biển bị phong tỏa.
Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến 45 quốc gia nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, mà còn tạo ra nhiều cáo buộc cho rằng Nga muốn kích hoạt khủng hoảng nguồn cung lương thực toàn cầu.
Do đó, thông qua thượng đỉnh lần này, ông Putin đã khẳng định Nga sẽ đảm bảo tiếp tục trách nhiệm cung cấp lương thực theo cả hai hình thức hợp đồng và viện trợ miễn phí như đã thực hiện với gần 10 triệu tấn ngũ cốc chuyển đến châu Phi trong sáu tháng đầu năm nay.
Thứ hai, cuộc gặp để Nga bày tỏ sự thấu hiểu với các khó khăn của châu Phi. Không chỉ dừng lại ở việc tăng nguồn cung lương thực cho châu Phi gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2022, phía Nga còn thông báo mong muốn hỗ trợ châu Phi về y tế, giáo dục, công nghệ và năng lượng.
Phía Nga cũng tuyên bố đã xóa nợ 23 tỉ USD (hơn 90% vấn đề nợ của châu Phi) và sẽ phân bổ thêm 90 triệu USD cho các mục tiêu phát triển theo yêu cầu của các nước châu Phi. Ngoài ra, các tập đoàn năng lượng Nga sẽ tham gia xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở châu Phi dẫn đầu là dự án ở Ai Cập.
Thứ ba, điều hướng các nước châu Phi tham gia quỹ đạo "phi đô la hóa" của Nga.
Dựa trên nền tảng hai mục tiêu ban đầu nhằm giảm khả năng hiểu lầm và tranh thủ thiện cảm từ giới lãnh đạo châu Phi, ông Putin đã từng bước vận động các nước châu Phi tham gia hệ thống chuyển đổi các giao dịch thương mại giữa Nga - châu Phi sang các loại tiền tệ bản địa, bao gồm cả đồng rúp của Nga.
Đây được Nga xem là một động thái nền tảng quan trọng để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh khối BRICS vào tháng 8 sắp tới, với hơn 69 quốc gia khách mời bao gồm đa số các nước châu Phi, mặc dù ông Putin không đến đó mà để Ngoại trưởng Lavrov đi thay.
Mặc dù không có thế mạnh về đầu tư (khi chỉ chiếm 1% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi), chính quyền Tổng thống Putin đã đẩy mạnh các hỗ trợ toàn diện cho châu Phi.
Thêm vào đó, sự thay đổi lập trường từ bác bỏ sang "rất coi trọng" sáng kiến hòa bình của các lãnh đạo châu Phi đối với chiến sự Ukraine đã giúp Matxcơva giành lại được thiện cảm lớn ở châu lục này.
Điều này không chỉ giúp Nga có nhiều cơ hội tiếp cận hơn vào các lĩnh vực tiềm năng cùng nhiều khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng ở châu Phi, giữa lúc Nga đang bị Mỹ và châu Âu cô lập hiện nay.
Wagner muốn tăng quân tới châu Phi
Trả lời truyền thông Cameron, ông trùm tập đoàn lính đánh thuê Wagner Yevgeny Prigozhin nhấn mạnh sẵn sàng đưa thêm lính tới châu Phi khi cần.
"Chúng tôi không giảm bớt sự hiện diện của mình, thậm chí chúng tôi còn sẵn sàng tăng cường lực lượng dự phòng", ông Prigozhin nói về hoạt động của Wagner tại châu Phi khi trả lời phỏng vấn báo Afrique Media của Cameroon đầu tuần này và được Hãng tin Reuters dẫn lại vào ngày 28-7.
Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi đã bế mạc ngày 28-7 ở St Petersburg với tuyên bố cuối cùng, trong đó nêu ra 74 nghĩa vụ của các bên, theo truyền thông Nga.