Điểm sáng là Việt Nam vẫn được nhận định là một điểm đến tin cậy trong chuyển dịch chuỗi cung ứng và thu hút đầu tư nước ngoài.
Trang Vietnam-briefing cho biết, dù trong 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm hơn nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không bị ảnh hưởng quá nhiều. Đây là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp nước ngoài, cho thấy rằng giới đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao triển vọng dài hạn của Việt Nam.
Ông Marco Forster - Trưởng bộ phận tư vấn ASEAN, Công ty Dezan Shira nhận định: "Môi trường kinh doanh tương đối cởi mở đối với FDI tại Việt Nam, đặc biệt với các hiệp định thương mại tự do hấp dẫn như với EU, ASEAN với Trung Quốc, cũng như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực khiến Việt Nam trở thành một lựa chọn hấp dẫn. Ngoài ra, hệ thống chính trị ổn định cũng là một lợi thế. Những điều này không chỉ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam bằng cách tạo việc làm và kích thích tăng trưởng mà còn tạo điều kiện cho đất nước tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển ngành sản xuất và cả lĩnh vực công nghệ. Tất cả những điều này có thể dẫn đến tăng FDI".
Việt Nam là đểm đến tin cậy trong chuyển dịch chuỗi cung ứng, thu hút đầu tư . (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Tạp chí Kinh tế và xã hội của Đức thì cho rằng, trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp nước ngoài quy mô vừa vẫn coi Việt Nam là một lựa chọn thú vị với một chính sách tiếp cận thị trường tự do.
Tờ Reuters cho rằng Mỹ coi Việt Nam là một đối tác tin cậy để dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhất là trong chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt hơn và thúc đẩy chuyển đổi xanh.
Ông Ivan Petrov - Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế đánh giá: "Sau cuộc khủng hoảng COVID-19, các bạn có tiềm năng lớn hơn so với trước đây, vì dòng chảy thương mại thay đổi và dây chuyền sản xuất thay đổi, cả tầm nhìn và suy nghĩ cũng đã bắt đầu thay đổi. Việt Nam có thể có nhiều triển vọng tốt đẹp từ những chuyển dịch này".
Trang Phys trích dẫn thông tin từ các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Tăng trưởng tại Đại học Harvard, theo đó Việt Nam cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia được dự đoán là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong thập kỷ tới.
VTV.vn - Kinh tế mặc dù còn nhiều thách thức song Việt Nam đang nỗ lực đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra trong năm 2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!