Nhằm góp thêm một góc nhìn cho vấn đề còn đang tranh luận, chuyên mục BẠN ĐỌC LÀM BÁO giới thiệu ý kiến này.
Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt qua Hộ thành hào nối Thượng thành đã gần như lắng xuống sau khi cuộc thi kết thúc, tuy nhiên thực trạng xung đột giao thông ở cửa Ngăn vẫn còn đó.
Việc điều tiết giao thông qua các cổng thành khác có lẽ sẽ không được lâu dài, bởi lưu lượng giao thông khu vực Thành nội ngày càng tăng, đặc biệt là ô tô. Cầu đi bộ vào di tích không phải là hiếm trên thế giới, nhưng làm thế nào để vừa giải quyết được giao thông vừa không ảnh hưởng đến giá trị lịch sử?
Vật liệu kính cho bảo tồn
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan (Barou et al., 2019) chỉ ra rằng kính (thủy tinh vô cơ hoặc hữu cơ) đã và đang được dùng như một công cụ thiết kế mới, đầy hứa hẹn, để làm nổi bật và bảo vệ các cấu trúc lịch sử.
Nhờ đặc tính trong suốt, kính trở thành một vật liệu riêng biệt cho phép nhận thức đồng thời về di tích ở cả trạng thái ban đầu và cả tình trạng đổ nát hiện thời một cách trung thực, tránh tối thiểu sự xâm lấn.
Đồng thời, nhờ độ bền và độ cứng, nó cũng đảm bảo được cấu trúc và bảo vệ di tích một cách hiệu quả. Mặt khác, các cấu trúc kính - thép hoàn toàn có thể thay đổi khi cần thiết mà không ảnh hưởng đến hiện trạng.
Kiến trúc sư Ý Franco Minissi (1919-1996) được coi là người tiên phong trong phương pháp bảo tồn này với việc tạo ra thuật ngữ "transparent restoration".
Giải pháp giao thông
Ngoài bảo tồn, các cấu trúc kính - thép cũng được xây mới để xử lý vấn đề giao thông ở những công trình cổ. Điển hình là kim tự tháp kính Louvre nổi tiếng, được xây dựng vào năm 1983 ở giữa sân Napoléon của Viện bảo tàng Louvre, Paris.
Còn Viện bảo tàng Louvre vốn là một pháo đài được vua Philippe Auguste cho xây dựng vào năm 1190, nó trở thành cung điện hoàng gia từ năm 1672 và bảo tàng từ năm 1793.
Công trình này, gồm kim tự tháp bên trên và sảnh ngầm bên dưới, được xây dựng để giải quyết lượng khách tham quan khổng lồ ùn tắc mỗi ngày tại lối vào chính của điện Louvre. Khách tham quan sẽ đi vào kim tự tháp, xuống sảnh chính rồi đi lên các tòa nhà chính của cung điện.
Cầu kính Thượng thành Huế
Như vậy, cấu trúc kính - kim loại là một giải pháp phù hợp để bảo tồn và giải quyết giao thông, tăng sức chứa ở các công trình cổ mà vẫn đảm bảo được giá trị lịch sử và thẩm mỹ. Không những vậy, cấu trúc mới còn có giá trị tôn thêm vẻ đẹp của di tích, thậm chí là có giá trị nghệ thuật riêng hòa vào tổng thể công trình.
Phương án đoạt giải nhất cuộc thi có phần vượt Thượng thành bằng kính có thể là một lựa chọn tốt để các nhà chuyên môn và công chúng góp ý hoàn thiện.
Chẳng hạn, phần cầu qua Hộ thành hào cũng nên làm bằng kính, vừa tạo sự đồng bộ cho tổng thể cấu trúc, vừa giảm thiểu sự xâm lấn, bởi Hộ thành hào cũng là một phần của di tích. Toàn bộ kính phải trong suốt, không có họa tiết, hoa văn hay chữ như phần cầu lên Thượng thành.
Mặt khác, khối kính chỉ nên ngang mặt Thượng thành, không cao vượt lên như thiết kế. Toàn bộ cấu trúc sẽ như hòa mình vào di tích, tác động tối thiểu đến thẩm mỹ di tích.
Cũng cần có lối đi thẳng từ bến xe du lịch Nguyễn Hoàng ra cầu, không phải đi vòng ra cửa Ngăn, vừa thuận tiện cho du khách, vừa triệt để tránh xung đột giao thông.
Dù không phải bằng kính, nhưng Cầu Vàng (Bà Nà, Đà Nẵng), giải bạc Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2018, kỳ quan thế giới mới (Daily Mail, 2021), là một minh chứng tốt cho giá trị một công trình nhỏ, ít quan trọng nhưng lại tạo được dấu ấn đẳng cấp.
Cầu kính Thượng thành Huế, tại sao không?
Để thực hiện được việc xây dựng cây cầu đi bộ lên thượng thành Huế cần phải được sự đồng ý của Chính phủ và UNESCO. Do vậy, muốn ý tưởng này thành hiện thực, cần có một hội đồng khoa học với sự tham gia của các bộ ngành.