vĐồng tin tức tài chính 365

Cân nhắc khi khai thác cát quá mức ở miền Tây

2023-07-31 07:09

Hiện nay, hàng loạt dự án cao tốc đang triển khai ở ĐBSCL vướng mắc về vật liệu cát. Câu hỏi đặt ra là vì sao đồng bằng lại thiếu cát và nếu khai thác quá mức liệu có ảnh hưởng đến ĐBSCL hay không? Xoay quanh vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM có trao đổi với ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL.

Bồi đắp ngày càng giảm

. Phóng viên: Thưa ông, vì sao ĐBSCL lại xảy ra tình trạng thiếu cát như hiện nay?

Cân nhắc khi khai thác cát quá mức ở miền Tây ảnh 1

ThS NGUYỄN HỮU THIỆN

+ ThS NGUYỄN HỮU THIỆN: ĐBSCL là nơi vùng đất phù sa được cát sông Mekong miệt mài bồi đắp trong khoảng 6000 năm qua. Trong quá trình đó, có lở có bồi nhưng phần bồi luôn trội hơn lở, kết quả là diện tích đồng bằng được mở ra, hướng Biển Đông khoảng 16 m/năm và hướng mũi Cà Mau khoảng 26 m/năm.

Tuy nhiên, từ thập niên 1990 trở lại đây, bồi đắp ngày càng giảm, sạt lở ngày càng gia tăng. Đến 2005 thì coi như đạt ngưỡng, sạt lở bằng với bồi đắp và từ đó về sau sạt lở gia tăng còn bồi đắp thì giảm dần. Hiện nay, hơn một nửa chiều dài bờ biển đang sạt lở, có nơi mỗi năm đến 50 m, sạt lở bờ sông thì xảy ra khắp nơi, từ sông lớn đến sông nhỏ.

Nguyên nhân chính của sạt lở ở ĐBSCL là thiếu cát và phù sa mà nguyên nhân đằng sau là do các đập thủy điện chặn cát và phù sa. Nguyên nhân nữa là tình trạng khai thác cát dọc suốt chiều dài sông Mekong ở tất cả các quốc gia, trong đó nhiều nhất là ở Campuchia và Việt Nam.

. Theo ông, trong tương lai cát sông có về như khoảng thời gian trước hay không?

+ Có thể thấy chắc chắn là cát sẽ không về, bởi vì cát di chuyển ở đáy sông vào đầu mùa lũ, khoảng từ tháng 7 đến tháng 9, khi có dòng nước mạnh. Từ tháng 10 trở về sau, cát không di chuyển nổi và thường ghé các “trạm dừng chân” trên sông Mekong. Như vậy, suy ra mỗi năm cát di chuyển được khoảng 200 km và đi một hành trình hơn 4.000 km sẽ mất 20-30 năm.

Hiện giờ, các đập thủy điện ở thượng nguồn đã chắn ngang nên cát không thể vượt qua để về đồng bằng. Mấy năm gần đây, còn một số ít cát về đồng bằng, đây là số cát khởi hành mấy chục năm trước, đã vượt qua vị trí các đập thủy điện. Các nhà xây đập nói có thể xả cát bằng cửa ở đáy đập nhưng điều này chưa được chứng minh và khó khả thi trên thực tế. Bởi việc xả cát ở đáy đập chỉ làm thông vài kilomet để tuabin hoạt động, còn hầu hết cát đã bị lắng ở đầu hồ chứa, cách đập khoảng 100 km.

Khai thác cát sông hay cát biển cũng cần cân nhắc

. Để thi công cao tốc, cơ quan chức năng đã thí điểm sử dụng cát biển đắp nền đường, ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?

+ Trước hết cần phải khẳng định chủ trương của Chính phủ đầu tư các tuyến cao tốc ở ĐBSCL là việc rất quan trọng nhưng khi triển khai thi công cùng lúc nhiều dự án thì vấn đề vật liệu lại rơi vào thế khó, đó là thiếu cát.

Cân nhắc khi khai thác cát quá mức ở miền Tây ảnh 2

Phạm vi thi công thử nghiệm đắp cát biển có chiều dài khoảng 240 m tại đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: CHÂU ANH

Về cát biển, xin hiểu rằng đồng bằng không có cát biển, bởi biển không tự tạo ra cát. Cái gọi là “cát biển” hiện nay chính là cát sông Mekong mang ra lót nền để chuẩn bị kiến tạo đồng bằng giống như mấy ngàn năm trước. Do đó, nếu lấy phần cát biển này thì vô hình trung đã cắt đứt quá trình kiến tạo đồng bằng và góp phần gia tăng sạt lở bờ biển.

Chúng ta đang rơi vào thế kẹt, cần vật liệu để thi công các dự án thì cũng có thể “buộc lòng” mà lấy cát nhưng cần biết rằng “cái giá phải trả rất đắt, chứ không phải miễn phí”. Phải xác định rằng nếu có khai thác “cát biển” thì đây là lần duy nhất, chẳng đặng đừng mới lấy, không nên tạo tiền lệ cứ thoải mái lấy cát biển thì ảnh hưởng rất lớn đến việc sạt lở bờ biển.

Tóm lại, khai thác cát sông hay cát biển cũng cần cân nhắc, bởi khi khai thác cát chắc chắn sẽ góp phần gia tăng sạt lở. Do đó, Chính phủ cần xem xét có chính sách lớn để di dời, tái định cư cho người dân ra khỏi gần bờ sông, bờ biển, những nơi nguy hiểm. Điều quan trọng là tái định cư phải đi kèm ổn định sinh kế, đảm bảo cho cuộc sống của bà con.

. Trong tình trạng thiếu cát như hiện nay, làm cách nào để giảm lượng cát sử dụng khi thi công cao tốc?

+ Việc lấy cát làm nền đường chỉ mới xuất hiện mấy chục năm nay.

Ngày xưa, kỹ thuật làm đường là người ta đào kênh hai bên, rồi lấy số đất này đầm xuống làm nền. Kỹ thuật làm đường mới sau này rất tiện nhưng tính lên tổng thể đồng bằng thì phải “trả giá rất đắt”, cho nên cần nghiên cứu lại cách làm đường. Ví dụ như có thể đào kênh hai bên như ngày xưa hoặc nên xem xét làm cao tốc trên cao sẽ đỡ tốn cát hơn. Ngoài ra, phương án cao tốc trên cao có thể sẽ nhiều kinh phí hơn nhưng sẽ ứng phó được hiện tượng nước biển dâng và không cản trở, không làm nhiễu loạn hệ thống thủy văn, không gây tù đọng, ô nhiễm môi trường...

. Xin cảm ơn ông.•

CHÂU ANH

Xem thêm: lmth.295447tsop-yat-neim-o-cum-auq-tac-caht-iahk-ihk-cahn-nac/nv.olp

“Cân nhắc khi khai thác cát quá mức ở miền Tây”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools