Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng vọt sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
10 ngày sau lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường (Phi Basmati) của Chính phủ Ấn Độ, giá lúa gạo tại Việt Nam tăng mạnh, cùng đó, giá gạo xuất khẩu các loại cũng tăng chóng mặt.
Diễn biến giá gạo xuất khẩu tại Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo lớn cũng tăng tương tự.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thừa nhận, giá gạo những ngày gần đây tăng rất mạnh. Các đối tác nhập khẩu chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam hỏi mua gạo và trả giá cao hơn 10-25 USD/tấn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này.
Dữ liệu cho thấy, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam và Thái Lan tăng đột biến. Cuối tuần qua, giá gạo Việt tăng lên 555-575 USD/tấn, Thái Lan trên 600 USD, lần lượt tăng 35% và 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo giá gạo 5% tấm Việt Nam có thể tăng lên 600 USD trong tháng tới.
Hiện, các thị trường Trung Quốc, Philippines, Indonesia đều hướng nhập khẩu về thị trường Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt hơn 4,83 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá gạo xuất khẩu bình quân tính trong 6 tháng ước đạt hơn 540 USD/tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2022 và mức cao nhất trong 1 thập kỷ qua.
Giá lúa gạo tăng mạnh trong bối cảnh Ấn Độ đã ra lệnh tạm dừng loại gạo có sản lượng xuất khẩu lớn nhất vào tuần trước để bình ổn giá gạo trong nước, do thời tiết thất thường đe dọa sản xuất. Ấn Độ là quốc gia sản xuất gạo hàng đầu và chiếm 40% xuất khẩu gạo thế giới.
Năm ngoái, Ấn Độ xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn gạo, cao hơn tổng khối lượng xuất khẩu của bốn nước xuất khẩu gạo đứng sau Ấn Độ là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ. Do sản lượng thiếu hụt, và do lệnh cấm, khả năng sản lượng xuất khẩu của nước này sẽ giảm chục triệu tấn.
Tiếp sau Ấn Độ, hôm 29/7, Nga và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo để đề phòng nguy cơ thiếu hụt.
Cụ thể, Chính phủ Nga hôm 29/7 thông báo tạm thời cấm xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến đến cuối năm nay. Quyết định này được đưa ra nhằm duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cũng áp đặt lệnh cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức và áp dụng cho tất cả các loại gạo.
Các lệnh cấm trên có thể tiếp tục gây sức ép lên giá toàn cầu trong bối cảnh các nước lo ngại El Nino phá hủy mùa màng. Giá nhiều loại ngũ cốc lớn khác cũng đang tăng vọt do căng thẳng Nga - Ukraine.
Việc Ấn Độ, UAE, Nga ban hành chính sách hạn chế hoạt động xuất khẩu gạo đã và tiếp tục tác động đến thị trường thương mại gạo toàn cầu.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) trước đó đã có Công văn gửi VFA để góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa; bình ổn giá thóc, gạo trong nước, VFTA tăng cường đôn đốc các hội viên, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam... tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.
Các hội viên là các thương nhân xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.