Cục Quản lý dược cho hay hiện nay thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đã xác định được nguồn cung ứng, đảm bảo nhu cầu điều trị bệnh đang có diễn biến theo chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Cục Quản lý dược cho biết dự kiến trong tuần này, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 sẽ nhập khẩu thêm 3.000 chai dịch truyền Globulin miễn dịch trên tổng số 15.000 chai đã được cấp phép nhập khẩu. Hiện việc nhập khẩu đã sẵn sàng, chỉ phụ thuộc vào việc sắp xếp chuyến bay trong thời gian sớm nhất có thể.
Đối với thuốc tiêm chứa hoạt chất Phenobarbital, Cục Quản lý dược đã cấp giấy phép nhập khẩu cho Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 và hiện công ty đã nhập khẩu thuốc về Việt Nam với số lượng 21.000 ống.
Trước đó, vào tháng 6, Công ty TNHH thương mại dược phẩm Duy Anh nhập khẩu 6.000 chai dịch truyền Globulin miễn dịch.
Cục Quản lý dược yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương liên hệ với các doanh nghiệp kinh doanh dược để kịp thời cung ứng thuốc trên cho nhu cầu điều trị.
Cục Quản lý dược cũng cho hay việc xây dựng kế hoạch, dự trù và đặt hàng của các cơ sở khám chữa bệnh là yếu tố quan trọng nhất trong việc đảm bảo nguồn cung về thuốc, do đó các cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường trách nhiệm trong việc đảm bảo cung ứng thuốc, xây dựng nhu cầu thuốc trong thời gian tới.
Đặc biệt đối với các thuốc hiếm, không sẵn có, cung cấp thông tin để các doanh nghiệp kinh doanh dược chủ động trong việc tìm kiếm nguồn cung, xây dựng kế hoạch cung ứng thuốc.
Thiếu thuốc gây khó khăn trong điều trị
Thuốc Immunoglobulin (IVIG) và Phenobarbital dạng truyền tĩnh mạch điều trị bệnh tay chân miệng hiệu quả đối với bệnh nhân mắc bệnh độ nặng. Tuy nhiên do thiếu thuốc, các bệnh viện phải thay thế các phác đồ điều trị khác.
"Một số bệnh viện sử dụng thuốc an thần thay thế Phenobarbital nhưng không hiệu quả bởi tác dụng an thần ngắn, chỉ kéo dài 1 - 2 giờ, chưa kể có nhiều tác dụng phụ như tụt huyết áp, rối loạn tri giác.
Trong khi nếu có Phenobarbital, tác dụng an thần kéo dài từ 12 - 24 giờ, ít tác dụng phụ nên rất cần thiết cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng", một bác sĩ phân tích.
Các bệnh viện dự báo ca mắc bệnh tay chân miệng sẽ tăng cao từ tháng 7 và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh dịch.
Đặc điểm trẻ mắc bệnh tay chân miệng năm nay thường không sốt cao nhưng diễn tiến nặng, ngưng thở, đặt nội khí quản nhiều hơn mọi năm, nhiều hơn đại dịch năm 2011.