Sau thời gian xét xử và nghị án kéo dài, 14h chiều 28/7, HĐXX sơ thẩm TAND TP.Hà Nội đã quyết định tuyên án với 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.
Trước khi phiên tuyên án diễn ra, các bị cáo trong vụ án đã nộp khắc phục hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, người nộp nhiều nhất là bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) với 1,8 triệu USD tiền khắc phục (hơn 42,5 tỷ đồng). Bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) đã nộp 42 tỷ đồng.
Theo đó, HĐXX đã quyết định tuyên phạt cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng án 16 năm tù (VKS đề nghị 12-13 năm) về tội Nhận hối lộ.
Cùng tội danh nhận hối lộ, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan (VKS đề nghị 18-19 năm), cựu Phó phòng tham mưu Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Vũ Anh Tuấn (VKS đề nghị 19-20 năm) bị HĐXX phạt tù chung thân. Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng cũng lãnh án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (VKS trước đó đề nghị 19-20 năm tù).
Về tội Nhận hối lộ, bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó thủ tướng, bị phạt 7 năm tù (VKS đề nghị 7-8 năm); Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch Hà Nộ 3 năm tù (VKS đề nghị 3-4 năm); Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, 6 năm tù (VKS đề nghị 7-8 năm); Trần Văn Dự, cựu Cục phó Cục Quản lý Xuất nhập cảnh 7 năm tù (VKS đề nghị 8-9 năm), 21 bị cáo nhận hối lộ mỗi người phải nộp phạt 100 triệu đồng sung công quỹ nhà nước.
Ở nhóm "chạy án", cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn lĩnh 5 năm tù về tội Môi giới hối lộ. Các bị cáo là chủ doanh nghiệp bị phạt từ 15 tháng tù cho hưởng án treo đến 11 năm tù giam về tội Đưa hối lộ, đa số đều nhẹ hơn mức phạt VKS đề nghị.
Hội đồng xét xử cho biết, tại phiên tòa, một số luật sư cho rằng bị cáo trong quá trình cấp phép chuyến bay không sách nhiễu đòi hỏi, không thỏa thuận làm hay không, cũng không yêu cầu doanh nghiệp chi tiền cảm ơn. Sau khi được cấp phép, các doanh nghiệp đến đưa tiền, quà cảm ơn và hành động này không phải đưa nhận hối lộ.
HĐXX xét thấy, trong quá trình xin cấp phép, các doanh nghiệp gặp khó khăn, bị từ chối hoặc không được trả lời. Một số dù được cấp phép nhưng nhận được văn bản cấp phép muộn, sát thời điểm bay làm doanh nghiệp không tổ chức bay được hoặc bị thua lỗ. Từ đó, nhiều doanh nghiệp chủ động liên hệ các cựu quan chức đặt vấn đề hỗ trợ nhờ vả, giúp đỡ tạo điều kiện.
Theo bản án, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Y tế và Vũ Anh Tuấn, cựu Trưởng Phòng Tham mưu Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và một số người có hành vi đòi hỏi, ra giá sách nhiễu, yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền mới cấp phép. Các cán bộ còn lại dù không đưa yêu cầu lợi ích cụ thể, không trực tiếp thỏa thuận với doanh nghiệp về chi phí cấp phép song đều gặp gỡ trao đổi, thống nhất sẽ tạo điều kiện doanh nghiệp. Trước và sau các chuyến bay, các doanh nghiệp đưa tiền cho các công chức trên với danh nghĩa cảm ơn nhưng tiền cảm ơn đều dựa trên lượng chuyến bay, khách về nước, cân đối với lợi ích doanh nghiệp. Số tiền hối lộ đều ở đặc biệt lớn, có lần lên đến hàng tỷ đồng, hàng trăm USD, việc nhận diễn ra nhiều lần, thường xuyên liên tục.
Các bị cáo là doanh nhân bị truy tố tội Đưa hối lộ được tòa đánh giá nhận thức rõ việc cấp phép chuyến bay là thủ tục hành chính bình thường, không phải chi tiền. Tuy nhiên, để được cấp phép nhiều chuyến bay, họ đã liên hệ với quan chức để đưa tiền hối lộ. Do đó, các ý kiến bào chữa đây là tiền cảm ơn chứ không phải đưa hối lộ là không có căn cứ.
HĐXX đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều bộ ngành. Các bị cáo lợi dụng vị trí công tác nhũng nhiễu, gây khó khăn, tạo ra cơ chế xin - cho, buộc doanh nghiệp chi tiền bôi trơn. Trong số này, có cả người giữ chức vụ cao, quan trọng
Với bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên, cựu Trưởng phòng điều tra Cục An ninh điều tra, Bộ Công an được phân công điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu" từ ngày 28/1/2022. Đến tháng 9/2022, Hưng bị điều chuyển công tác nhưng vẫn đưa ra thông tin gian dối để lừa tiền của Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty Blue Sky) thông qua cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn. Hưng đã nhiều lần gặp gỡ bị cáo Hằng tại nhà bịcáo Tuấn để hướng dẫn khai báo, trong khi Bộ Công an cấm điều tra viên gặp gỡ người bị điều tra ngoài trụ sở. Dựa vào các lời khai, chứng cứ, dữ liệu điện tử thu thập được, bản án xác định bị cáo Hưng đã lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD.
Với số tiền 1,8 triệu USD còn lại mà bị cáo Tuấn khai, HĐXX nhận thấy chưa đủ cơ sở kết luận Hưng nhận số tiền này nên không xử lý.
HĐXX cũng cho hay, suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Hưng luôn kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội. Luật sư của bị cáo Hưng cũng đề nghị tòa trả tự do cho thân chủ hoặc hồ sơ để điều tra lại. Trước khi khởi tố, Cơ quan An ninh và Viện Kiểm sát đã thu thập các chứng cứ và có nhiều buổi làm việc để Hưng giải trình các vấn đề liên quan. Hưng cũng nhiều lần được đề nghị viết bản tự khai để đảm bảo quyền tự bào chữa của mình nhưng bị cáo đều từ chối.
Bản án nêu rõ, Hưng không thành khẩn, quanh co, gian dối nên không có đủ cơ sở xác định về tính chính xác của các lời khai của bị cáo này. HĐXXT dựa "vào các chứng cứ, lời khai người liên quan, dữ liệu camera an ninh quay lại cảnh Hưng nhận cặp da và các dữ liệu khác" để kết luận hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm, không oan.
Hưng là điều tra viên cao cấp nhưng lợi dụng chức vụ quyền hạn, lừa đảo số tiền đặc biệt lớn, đến nay vẫn không thành khẩn, không có thái độ ăn năn hối cải, không khắc phục hậu quả. Do đó, theo HĐXX, cần phải đưa ra mức án cao hơn mức đề nghị 19-20 năm tù của VKS mới đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.