Sau thời gian xét xử và nghị án kéo dài, 14 giờ chiều nay (28/7), HĐXX sơ thẩm TAND TP.Hà Nội đã tuyên án với 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.
Trước đó, qua 12 ngày xét xử, thẩm vấn và tranh tụng công khai, VKS đề nghị HĐXX phạt tử hình bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế về tội nhận hối lộ; 48 bị cáo án tù có thời hạn (18 tháng đến 20 năm) và 5 bị cáo án treo (1 đến 3 năm).
Tại phần tuyên án, sau khi tóm tắt nội dung vụ án, chủ tọa cho biết tại phiên tòa các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội, riêng bị cáo Hoàng Văn Hưng cho rằng mình bị oan.
Trước khi phiên tuyên án diễn ra, các bị cáo trong vụ án đã nộp khắc phục hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, người nộp nhiều nhất là bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) với 1,8 triệu USD tiền khắc phục (hơn 42,5 tỷ đồng). Bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) đã nộp 42 tỷ đồng.
Do thời gian tuyên án dài nên các bị cáo được phép ngồi nghe Hội đồng xét xử đọc bản án.
Hội đồng xét xử tuyên án như sau:
Tuyên phạt mức án cao nhất là tù chung thân về tội “Nhận hối lộ” đối với 4 bị cáo: Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế; Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an).
Cùng bị kết án về tội “Nhận hối hộ”, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị Tòa tuyên phạt 16 năm tù; Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, 12 năm tù; Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng và Trần Văn Dự, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, cùng bị phạt 7 năm tù; Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và Nguyễn Thanh Hải, cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ, cùng lĩnh 6 năm tù; Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, 3 năm tù…
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, Cựu Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội bị phạt 5 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Trong nhóm bị cáo bị xét xử về tội “Đưa hối lộ", Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, bị Tòa tuyên phạt 11 năm tù; Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đố Công ty Blue Sky, 10 năm tù; Hoàng Diệu Mơ, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại du lịch dịch vụ Hàng không An Bình, và Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Du lịch Lữ hành Việt, cùng bị phạt 7 năm tù…
Theo bản án sơ thẩm, trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân ở nước ngoài về nước. Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ tập hợp tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao.
Bộ Ngoại giao (thông qua Cục Lãnh sự) có nhiệm vụ xây dựng, đề xuất kế hoạch tổ chức các chuyến bay combo; chủ trì và xin ý kiến, trao đổi thống nhất với các Bộ trong Tổ công tác và báo cáo, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, quyết định và thông báo việc thực hiện chuyến bay. Bốn Bộ còn lại gồm: Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ về công tác phòng chống dịch cho ý kiến việc phê duyệt gửi Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhân dân một số tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ cho chủ trương cách ly tại địa phương.
Quy trình cấp phép các chuyến bay combo được thực hiện như sau doanh nghiệp có nhu cầu xin được chủ trương cách ly tại địa phương và gửi hồ sơ đến Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự). Trên cơ sở hồ sơ này, Cục Lãnh sự lấy ý kiến Tổ công tác của các bộ, ngành và trình Chính phủ duyệt, sau đó thông báo cho doanh nghiệp được tổ chức thực hiện chuyến bay.
Thực hiện chủ trương trên, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, một số cá nhân thuộc các bộ, ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp, cùng một số đối tượng khác đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, có 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.
Cụ thể, Hội đồng xét xử xác định: bị cáo Phạm Trung Kiên nhận hối lộ hơn 42,6 tỷ đồng, Vũ Anh Tuấn nhận 27,3 tỷ đồng, Nguyễn Thị Hương Lan nhận 25 tỷ đồng, Tô Anh Dũng nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng… Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn cùng đưa hối lộ 100 tỷ đồng, Hoàng Diệu Mơ đưa 34,6 tỷ đồng, Nguyễn Tiến Mạnh đưa hối lộ 27,8 tỷ đồng và Vũ Thùy Dương đưa 24 tỷ đồng…
Đối với nhóm các bị cáo nhận hối lộ, Hội đồng xét xử xác định các bị cáo này là những người có chức vụ, không thực hiện đầy đủ kỷ luật công vụ, phạm tội bằng cách nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin cho để gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi cấp phép các chuyến bay. Trong số các bị cáo nhận hối lộ có những người có chức vụ cao, có những bị cáo là cấp dưới trực tiếp thực hiện các thủ tục, hồ sơ cấp phép.
Thủ đoạn phạm tội của nhóm bị cáo này được thể hiện dưới hai hình thức chính: Đưa ra giá cả mặc cả cho từng chuyến bay; gây khó khăn, thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, buộc các doanh nghiệp phải đưa hối lộ. Hành vi của nhóm bị cáo nhận hối lộ đã gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của cơ quan Nhà nước, tạo dư luận xấu trong nhân dân… nên cần phải có hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với mức độ, hành vi phạm tội.
Xem thêm: lmth.244051_uuc-iaig-yab-neyuhc-na-uv-gnort-oac-ib-45-iov-na-neyut/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc