Chiều 31-7, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP đã tổ chức hội thảo về kết luận 49 và nghị quyết 98, cơ hội và thách thức cho phát triển hệ thống metro.
5 giải pháp đột phá để làm metro
Ông Hoàng Ngọc Tuân - quyền trưởng ban chuẩn bị đầu tư Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM - cho biết kết luận 49 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu là quyết tâm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị (metro) tại TP.HCM vào năm 2035.
Đây là cơ hội lịch sử để TP.HCM phát triển ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Trong khi đó, nghị quyết 98 cũng mở ra các cơ chế giúp TP huy động nguồn lực làm metro thông qua mô hình TOD, vay trái phiếu địa phương, vay các tổ chức tài chính trong nước...
Thuận lợi là rất lớn, nhưng theo ông Tuân, việc triển khai hoàn thành mục tiêu sẽ có nhiều thách thức. Bởi trong 20 năm qua, TP chỉ làm được 20km metro. Còn mục tiêu sắp tới là làm 200km trong vòng 12 năm.
Nếu cứ làm theo cách cũ sẽ không bao giờ làm được mà phải có cách làm mới, khác biệt và đột phá.
Để trong 12 năm làm được 200km metro, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đề xuất nhiều chính sách mới tập trung trong 5 lĩnh vực bao gồm: quy hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; nguồn lực tài chính; thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án; tiêu chuẩn giải pháp công nghệ, tổ chức thi công: mô hình tổ chức.
5 giải pháp này cần phải được triển khai đồng thời mới đảm bảo mục tiêu.
Các giải pháp này sẽ được đề xuất trong đề án phát triển đường sắt đô thị TP.HCM theo kết luận 49 của Bộ Chính trị.
Đề án dự kiến được trình Bộ Chính trị vào tháng 12-2023 và trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5-2024.
Cần huy động 25 tỉ USD trong 5 năm
Chẳng hạn về nguồn vốn, theo ông Tuân, trong 4-5 năm tới, TP phải thu xếp nguồn lực tài chính khoảng 25 tỉ USD cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị.
Để có nguồn vốn này, TP phải đa dạng nguồn lực tài chính từ mô hình TOD, huy động vốn trong và ngoài nước, phát hành trái phiếu...
Ngoài ra, thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án cũng cần được rút gọn. Bởi hiện nay, công tác chuẩn bị đầu tư cho một dự án đường sắt đô thị thường 7-9 năm. Với thời gian như trên, nếu dự án kêu gọi theo hình thức PPP sẽ làm nản lòng nhà đầu tư.
Do vậy, cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù, phân cấp phân quyền phê duyệt dự án. Thậm chí có ý tưởng gom toàn bộ các tuyến còn lại thành một hoặc hai dự án để trình Quốc hội một lần nhằm rút ngắn thủ tục.
Góp ý tại buổi tọa đàm, TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường ĐH Việt Đức) - nói trên thực tế TP.HCM chưa có quy hoạch, chưa có thiết kế TOD.
Mô hình này lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng cỡ lớn làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị. Nghị quyết 98 mở ra hướng đi mới, tạo nguồn lực rất lớn khi phát triển đường sắt đô thị gắn với TOD.
Lưu ý về đầu tư metro theo hình thức đối tác công tư (PPP), ông Tuấn nói rằng tỉ lệ thành công của dự án theo hình thức này có mức độ thành công rất thấp. Do vậy, chúng ta cần có nhận diện các rủi ro và có kịch bản đầy đủ tránh những rủi ro.
Có thể thu phí người đi xe gây ùn tắc giao thông?
Cũng theo ông Vũ Anh Tuấn, có một nguồn nữa mà TP chưa tính tới. Đó là thu phí người sử dụng ô tô, xe máy gây ùn tắc giao thông, chiếm dụng không gian đất đai. Các khoản phí đậu xe lòng đường, vỉa hè hay phí vào trung tâm.. sẽ giúp chính quyền có vốn xây dựng hạ tầng, trong đó có đường sắt đô thị.
"Chúng tôi cũng đã nghiên cứu, phân tích cách làm metro theo hình thức PPP tại 10 thành phố trên thế giới.
Qua đó thấy rằng các dự án làm theo hình thức này chưa thành công bởi vốn rất lớn, doanh thu không đảm bảo, nhà đầu tư khó thu hồi vốn bằng bán vé.", ông Tuấn nói và cho rằng dự án metro làm theo phương thức PPP kết hợp TOD mới thành công.
Theo tính toán, nếu triển khai đồng bộ, TP có thể thu 2 tỉ USD/ năm vào năm 2025 và khoảng 4 tỉ USD/năm vào năm 2020.
Còn theo ông Đỗ Ngọc Long - phó vụ trưởng Vụ Giám sát thẩm định (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nghị quyết 98 mở ra cơ hội cho TP phát triển đường sắt đô thị gắn liền với TOD.
Ngoài mục tiêu dài hạn, TP cần triển khai ngay mô hình TOD dọc tuyến metro số 1 vì sẽ rất hiệu quả. Ngoài ra, đối với các dự án metro, TP cần rà soát quy hoạch, thực hiện theo thứ tự ưu tiên, chọn tuyến ở đông khu dân cư để triển khai sớm nhằm giải tỏa ùn tắc giao thông.
Nguồn vốn rất lớn để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị (metro) này không thể chỉ trông chờ vào các khoản vay. Vậy tìm vốn ở đâu?