Nền tảng giao dịch đầu tư nổi tiếng Robinhood chấp nhận trả gần 70 triệu USD cho FINRA để dàn xếp các cáo buộc rằng công ty đã gây ra thiệt hại "trên diện rộng và đáng kể" cho khách hàng trên nhiều khía cạnh khác nhau.
70 triệu USD là mức phạt tài chính lớn nhất được đưa ra bởi FINRA, tổ chức phi chính phủ được Quốc hội Mỹ ủy quyền giám sát hàng trăm nghìn công ty môi giới chứng khoán trên toàn quốc.
Cụ thể, cuộc điều tra của FINRA phát hiện rằng hàng triệu khác hàng đã nhận thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm từ Robinhood về hàng loạt vấn đề. Các ví dụ bao gồm số dư trong tài khoản hay liệu khách hàng có thể giao dịch ký quỹ hay không.
FINRA kết luận rằng thông tin không chính xác từ phía Robinhood đã khiến khách hàng thiệt hại hơn 7 triệu USD, và công ty được lệnh phải bồi thường cho những người dùng bị ảnh hưởng.
Các cáo buộc khác của FINRA bao gồm việc Robinhood phê duyệt các giao dịch quyền chọn quá rủi ro cho hàng nghìn người dùng và không chuẩn bị đủ để ngăn chặn sự cố hệ thống vào tháng 3/2020.
Trong email gửi đến CNBC, người phát ngôn của Robinhood cho biết công ty đã đã đầu tư để cải thiện nền tảng và đang phát triển bộ phận chăm sóc khách hàng.
Hàng loạt sai sót
Robinhood ra mắt vào năm 2014 và thu hút hàng triệu khách hàng. Rất nhiều người lần đầu chơi chứng khoán lựa chọn Robinhood, vì ứng dụng này rất dễ sử dụng và đặc biệt là miễn phí giao dịch. Nhưng Robinhood cũng hứng chịu nhiều chỉ trích gay gắt trong vài năm qua, gần đây nhất là khi hạn chế giao dịch cổ phiếu GameStop đúng lúc giá lên cao như vũ bão vào tháng 1/2021.
Cuộc điều tra của FINRA phát hiện rằng các vấn đề về dịch vụ chăm sóc khách hàng của Robinhood đã xuất hiện từ lâu. Ví dụ giữa năm 2018 và 2020, Robinhood đã không báo cáo hàng chục nghìn khiếu nại của khách hàng cho cơ quan này theo quy định bắt buộc.
FINRA cũng cáo buộc Robinhood đã "truyền đạt thông tin sai lệch và gây hiểu lầm một cách cẩu thả" vào những thời điểm khác nhau kể từ tháng 9/2016. Những tuyên bố sai lệch và gây hiểu làm đó đã gây tổn hại tài chính khách hàng.
Báo cáo của FINRA nhắc đến câu chuyện thương tâm của một khách hàng với tình tiết tương tự như anh Alex Kearns, sinh viên 20 tuổi tự sát khi thấy số lỗ khổng lồ 720.000 USD hiển thị trên ứng dụng Robinhood. FINRA phát hiện rằng số dư của nhà đầu tư này là không chính xác. Giá trị vị thế của anh ta chỉ bằng một nửa con số tài khoản hiển thị.
Robinhood cung cấp giao dịch quyền chọn từ tháng 12/2017. FINRA đánh giá rằng công ty đã "không thẩm định chi tiết trước khi chấp thuận cho khách hàng thực hiện giao dịch quyền chọn", dựa vào thuật toán thay vì con người để cho phép khách hàng thực hiện những quyết định đầu tư mạo hiểm.
"Do đó, Robinhood đã chấp thuận cho hàng chục nghìn khách hàng giao dịch quyền chọn dù những người này không đáp ứng tiêu chí của Robinhood hoặc tài khoản có dấu hiệu rõ ràng rằng quyền chọn là không phù hợp với họ", FINRA viết.
Cuối cùng, Robinhood đã không kiểm tra công nghệ mà công ty sử dụng để cung cấp các dịch vụ cốt lõi, dẫn đến một loạt sự cố ngừng hoạt động và lỗi hệ thống. Một trong những sự cố trên diễn ra vào 2/3 và 3/3/2020 trong lúc thị trường biến động cực lớn. Hậu quả là một số khách hàng cá nhân thiệt hại hàng chục nghìn USD.
Robinhood không thừa nhận cũng không phủ nhận cáo buộc và vẫn đang chịu sự điều tra của Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC), CNBC cho biết.