Hôm 30-6, chính quyền quân sự Myanmar đã thả hơn 2.000 người biểu tình chống chính biến, bao gồm những nhà báo đưa tin chỉ trích về sự đàn áp người biểu tình của lực lượng quân đội, kênh Channel News Asia đưa tin.
Sau khi thông báo thả tù nhân của chính quyền quân sự Myanmar được phát đi, khoảng hơn 200 người đã tụ tập bên ngoài nhà tù Insein ở thành phố Yangon để chờ đợi và hy vọng người thân của mình được thả, theo hãng tin AFP.
Đến tối ngày 30-6, theo thông tin từ phía quân đội, tổng cộng 2.296 người đã được thả khỏi các nhà tù trên khắp đất nước.
Mọi người chờ đợi người thân của mình được thả bên ngoài nhà tù Insein, Yangon. Ảnh: EPA
Nhà báo Kay Zon Nway của hãng thông tấn Myanmar Now là một trong số những người được trả tự do khỏi nhà tù Insein. Nữ báo này cho biết cô ấy đã trải qua "nhiều điều" trong nhà tù khét tiếng và cho biết cô ấy sẽ giải thích sau.
Bên cạnh đó, phóng viên ảnh Ye Myo Khant của Cơ quan Báo chí Myanmar cũng đã được trả tự do sau 120 ngày bị giam giữ.
Nhà báo Mỹ Danny Fenster cũng đang bị giam giữ tại nhà tù Insein sau khi bị bắt giữ vào ngày 21-5.
Một quan chức Myanmar giấu tên cho biết không có người nước ngoài nào trong số những người được thả khỏi Insein vào hôm 30-6.
Cố vấn cấp cao về Myanmar của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) - ông Richard Horsey cho biết mặc dù việc thả tù nhân của chính quyền quân sự được một số cá nhân và gia đình hoan nghênh nhưng điều này cũng không làm giảm đi sự phản đối của người dân với chính quyền quân sự.
Theo ông Horsey, những người này “lẽ ra không bao giờ phải bị giam giữ” và “một số người trong số này đã phải đối mặt với những màn tra khảo và tra tấn dã man và sẽ để lại trong họ những tổn thương lâu dài”.
Vào tháng 2, sau khi thực hiện chính biến, chính quyền quân sự Myanmar đã thả khoảng 23.000 tù nhân. Động thái này đã khiến các nhóm nhân quyền lo ngại vì chính quyền quân sự sẽ sử dụng chỗ trống này để giam giữ những người biểu tình chống chính biến.
Người thân của những người bị bắt giữ chờ đợi bên ngoài nhà tù. Ảnh AFP
Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, hiện đang bị chính quyền quân sự quản thúc tại gia kể từ khi chính biến bắt đầu vào hồi tháng 2, đã yêu cầu người dân Myanmar tiếp tục “đoàn kết” chống chính quyền quân sự, các luật sư của bà này hôm 29-6 cho hay.
Myanmar đã rơi vào khủng hoảng sau khi xảy ra chính biến vào tháng 2. Lực lượng quân đội đã lật đổ chính quyền dân sự và bắt giữ các nhà lãnh đạo dân sự, trong đó có bà Aung San Suu Kyi. Bà Suu Kyi bị cáo buộc vi phạm các quy định chống dịch, nhập khẩu và sử dụng trái phép thiết bị liên lạc điện tử và đã hai lần ra hầu toà.
Theo một nhóm quan sát địa phương, hơn 880 thường dân đã bị giết và gần 6.500 người bị bắt giữ vì phản đối chính biến.