Ngày 30-6, Tổ thực hiện cách ly, xử lý môi trường y tế thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng, chống dịch COVID-19 đã kiểm tra các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu cách ly trên địa bàn. Từ đó đề xuất TP.HCM xây dựng các phương án phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm
Đại diện Ban quản lý khu cách ly tập trung Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn), cho biết ngay trong ngày đầu tiên đi vào hoạt động (29-5), nơi đây đã tiếp nhận 746 người đến cách ly và tiếp nhận rải rác những ngày sau.
Vừa qua, có khoảng 100 người được chuyển đến cách ly tại các khách sạn trên địa bàn. 70 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đã được chuyển đến các cơ sở điều trị. Trong số này, 49 người phát hiện dương tính sau khi test lần 1, 21 người sau test lần 2. Nhiều trường hợp hết thời gian cách ly được giải quyết trở về tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại địa phương. Hiện khu cách ly còn quản lý khoảng 40 người.
Qua thực tế kiểm tra, PGS-TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, nhận xét việc bố trí phân luồng từ cổng vào, vị trí chốt chặn của lực lượng bảo vệ, vị trí các buồng đệm cho nhân viên y tế chưa hợp lý.
Đặc biệt, phòng cách ly bố trí các vị trí giường xếp chưa đảm bảo khoảng cách. Phòng vệ sinh sử dụng chung chưa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Có sự tiếp xúc giữa người cách ly ở các phòng khác nhau khi sử dụng chung nhà tắm, nhà vệ sinh tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Việc bố trí F0 ngay cùng tầng trước khi chuyển viện không hợp lý, có nguy cơ lây nhiễm cao vì dùng chung nhà vệ sinh với người cách ly khác…
Đoàn kiểm tra khu cách ly tập trung tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM. Ảnh: HOÀI THƯƠNG
Trang bị nhiệt kế cho người cách ly tự đo thân nhiệt
Sau buổi kiểm tra, đánh giá, Tổ thực hiện cách ly, xử lý môi trường y tế kiến nghị khu cách ly KTX Đại học Ngoại ngữ TP.HCM, chỉ sử dụng lại để làm khu cách ly khi có cải tạo được khu vệ sinh chung. Cần phân công nhiệm vụ rõ ràng đối với người phục vụ trong khu cách ly.
Tại đây, cần trang bị nhiệt kế thủy ngân cho mỗi người được cách ly để họ tự thực hiện kiểm tra thân nhiệt định kỳ 2 lần/ngày và báo kết quả cho cán bộ y tế thông qua nhóm Zalo để hạn chế tối đa việc tiếp xúc của nhân viên y tế cũng như giảm gánh nặng công việc. Trưởng khu cách ly quán triệt và có hình thức kỷ luật với các công dân không tuân thủ nội quy trong khu cách ly.
Bên cạnh đó, cần bổ sung phòng đệm tại các tòa nhà, bố trí dung dịch sát khuẩn, các thùng chứa rác thải y tế lây nhiễm và ghế ngồi trong phòng đệm, bổ sung các nội quy, tài liệu truyền thông phòng, chống COVID-19, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các khu vực cách ly tập trung.
Đoàn công tác kiến nghị thành lập đoàn kiểm tra giám sát cấp quận/huyện để triển khai công tác kiểm tra, giám sát các khu cách ly tập trung trên địa bàn quận/huyện quản lý.
Bố trí người cách ly theo mức độ nguy cơ lây nhiễm
Cùng ngày, đoàn công tác cũng đến kiểm tra Khu cách ly tập trung KTX Đại học Quốc gia TP.HCM khu B. Nơi đây đang cách ly cho 5.061 trường hợp, trong đó 340 trường hợp vào mới.
Thống kê trong ngày 30-6, nơi đây phát hiện 176 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Lực lượng chức năng đang hoàn tất chuyển 176 trường hợp này đến các cơ sở điều trị. Tổng số cộng dồn đã chuyển đến các cơ sở điều trị COVID-19 là 1.239 trường hợp). Có 2 trường hợp chuyển đi cách ly tại khách sạn (tổng chuyển đi cách ly tại khách sạn cộng dồn là 90 trường hợp).
Đoàn công tác kiến nghị UBND TP nghiên cứu thành lập một cơ sở thu dung, điều trị ban đầu bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng nằm tại khu KTX Đại học Quốc gia trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trên diện rộng trong khi chưa triển khai KTX khu A thành bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2 có quy mô 4.000 giường do các khu cách ly có diện tích rộng, biệt lập với khu dân cư và cách xa bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị.
Đoàn công tác đề nghị Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cung cấp đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế cho các khu cách ly, bổ sung khẩu trang N95 cho người trực tiếp phục vụ người cách ly. Bên cạnh đó, bố trí người được cách ly theo mức độ nguy cơ lây nhiễm ở cùng phòng/tầng/khu nhà để tránh lây nhiễm chéo.
Tại các khu cách ly tập trung cần cơ cấu lại, chỉ sử dụng 80% công suất phòng cách ly F1 và bố trí đủ 20% số phòng để làm phòng cách ly cho đối tượng F0 và F1 nguy cơ cao.