Hơn 400 người lao động nhập cư không có giấy tờ tùy thân tại Bỉ đã tham gia một đợt đình công - tuyệt thực nhằm gây áp lực đòi chính quyền Brussels cấp quyền cư trú cho những người lao động này ở lại Bỉ, hãng tin AFP hôm 30-6 cho hay.
Những người tham gia đợt biểu tình này phần lớn là người nhập cư từ Morocco và Algeria và đã làm việc nhiều năm ở Bỉ nhưng không được cấp giấy tờ. Họ đã cắm trại trong sáu tuần tại một số địa điểm ở thủ đô Brussels, trong đó có một nhà thờ và một căn tin trường đại học.
“Bất chấp tất cả các kỹ năng của chúng tôi và thực tế là chúng tôi ở đây để làm việc, không phải chỉ để xin tiền, câu trả lời vẫn như cũ: 'Về nhà'. Thật không thể hiểu nổi” - một người biểu tình gốc Algeria bức xúc nói.
Một điểm cắm trại để biểu tình - tuyệt thực của những người lao động nhập cư không có giấy tờ tại TP Brussels (Bỉ). Ảnh: AFP
Cuộc biểu tình này đã bắt đầu từ tháng 5, sau khi các cuộc đối thoại trong suốt bốn tháng trước đó không thể giúp những người lao động không có giấy tờ này thuyết phục được giới chức Brussels.
Nhiều người dân Bỉ ủng hộ nguyện vọng của những người lao động không có giấy tờ này. Ngày 29-6, các hiệu trưởng của sáu trường đại học Pháp ngữ lớn nhất tại Bỉ đã kêu gọi giới chức Brussels “sử dụng tất cả các biện pháp pháp lý trong thẩm quyền” để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này.
Các nhà khoa học kêu gọi một giải pháp cấp bách để kết thúc cuộc tuyệt thực có tổ chức này vì lo ngại nguy cơ đối với sức khỏe của những người lao động này ngày càng tăng. Hiệu trưởng Đại học Libre de Bruxelles (Đại học Tự do Brussels) thậm chí còn nghĩ tới “những hậu quả không thể cứu vãn”.
Bỉ nói rằng Morocco và Algeria là hai đất nước không chịu bất ổn và do đó, người lao động nhập cư từ hai quốc gia Bắc Phi này không thể xin quyền tị nạn.
Người phát ngôn cho bộ phận quản lý di cư và người tị nạn của Bộ Ngoại giao, các vấn đề châu Âu, ngoại thương và các tổ chức văn hóa liên bang Bỉ cũng kêu gọi những người biểu tình ngừng “hành động rất nguy hiểm này”. Dù vậy, quan chức này nhấn mạnh rằng Bỉ vẫn không thể đi ngược quy định nhập cư của châu Âu để cấp quyền tị nạn cho ngừng người lao động này.