Trong bối cảnh dịch bệnh, hiện nay các chợ đang còn hoạt động nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp để phòng chống dịch. Chợ Võ Thành Trang, chợ Tân Phú 1, chợ Tân Định...đã áp dụng các phương thức như phát số thứ tự, thẻ chợ … để đảm bảo cung ứng hàng hóa, an toàn cho tiểu thương và cả người dân đi chợ.
Bà Vương Ngọc Trân, Trưởng ban quản lý chợ Tân Phú 1 cho biết, đơn vị này đã chốt hết bốn cửa ra vào, tiến hành phân luồng chỉ còn một cửa ra, một cửa vào. Đồng thời thực hiện phát phiếu cho người dân.
Người dân được hỗ trợ khai báo y tế khi đến chợ Tân Phú 1
Theo đó, một ngày chợ phát 80 phiếu cho bất cứ người dân nào đến mua sắm và làm theo dạng cuốn chiếu. Cụ thể khi người dân đến chợ sẽ được đo thân nhiệt, khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn, phát số thứ tự...
Người dân nào mua sắm xong, khi ra về sẽ trả lại phiếu cho nhân viên ở cổng sau. Khi nhận được từ 10 đến 20 phiếu, nhân viên sẽ chuyển lên cổng trước để tiếp tục phát cho những người đến sau.
“Đặc điểm khách của chợ Tân Phú 1 không giống các địa bàn khác, chủ yếu là khách vãng lai nên chúng tôi không làm thẻ đi chợ cố định, mà bất cứ ai đến chợ tuân thủ 5K sẽ được phát thẻ vào chợ ”, bà Trân chia sẻ.
Thẻ đi vào chợ Tân Phú 1.
Theo bà Trân, hiện chợ Tân Phú 1 còn chưa đến 30%, tức khoảng 50 sạp kinh doanh các ngành hàng thiết yếu.
“Chúng tôi thuận lợi khi triển khai nhờ có mặt bằng rộng, thoáng. Đặc biệt, UBND quận rất quan tâm, ưu tiên cho tiểu thương chợ truyền thống tiêm vaccine và tiểu thương chợ Tân Phú 1 đã được tiêm vaccine. Do đó, bà con rất yên tâm mua bán”, bà Trân nói.
Tương tự, ông Ngô Văn Hà, Trưởng ban quản lý chợ Tân Định cho biết, từ khi thành phố ban hành Chỉ thị 10, các ngành hàng không thiết yếu tạm ngừng kinh doanh, ban quản lý chợ đã tính đến thực hiện mô hình giãn cách các hộ kinh doanh. Sau đó, đã đề xuất và được UBND quận 1 chấp thuận, chợ chính thức triển khai từ ngày 28-6.
Người dân thực hiện các biện pháp đo thân nhiệt, khử khuẩn, khẩu trang, khai báo y tế trước khi vào chợ Tân Định.
Cụ thể, ban quản lý chợ lập chốt ở các tuyến đường ra vào chợ kiểm soát đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khai báo y tế, sử dụng nước rửa tay trước khi vào chợ. Đồng thời cấm không cho xe vào nhằm đảm bảo không ùn tắc, giữ khoảng cách theo quy định của chỉ thị 10…
Ban đầu lượng khách khách vào mua sắm cũng đông nhưng sau đó chợ đã có phương án điều chỉnh.
Theo đó, các ngành hàng thực phẩm tươi sống, rau củ…được đánh số thứ tự từ 1 đến 200, sạp nào có số chẵn là bán ngày chẵn, có số lẻ là bán ngày lẻ. Như vậy, đảm bảo khoản cách các quầy sạp buôn bán không gần nhau. Đồng thời, giăng dây tạo khoảng cách giữa người bán, người mua cách nhau 1,5m theo quy định.
Theo ông Hà, ban quản lý chợ cũng linh động và không cứng nhắc, nếu hộ kinh doanh nào đã có khoảng cách đảm bảo an toàn theo quy định thì không thực hiện giãn cách.
Khoảng cách giữa người mua, người bán đảm bảo 1,5m theo quy định.
“Sau khi áp dụng cho tiểu thương bán theo ngày chẵn lẻ, các khu vực kinh doanh ngành hàng thiết yếu tại chợ có 150-160 hộ, giảm khoảng 50% so với trước khi chưa giãn cách.
Một số quầy sạp rau củ quả, thực phẩm tươi sống chỉ bán nửa ngày nên đến buổi chiều cả trong và ngoài nhà lồng chợ ngành hàng hàng thiết yếu chỉ còn 40-50 sạp ”, ông Hà nói.
93 chợ truyền thống tại TP.HCM tạm dừng hoạt động Chợ Bình Thới, quận 11 đang áp dụng phát thẻ ra vào chợ có mã QR code cho người dân cũng đã tạm dừng hoạt động từ ngày 30-6. Chợ Bàu Cát, quận Tân Bình đang triển khai phát thẻ đi chợ cho người dân cũng tạm dừng hoạt động. Đáng chú ý UBND Quận Bình Tân đã đề nghị dừng hoạt động toàn bộ chợ truyền thống từ 1-7 đến 14-7 để phòng chống dịch. Theo Sở Công Thương TP.HCM, tính đến ngày 1-7 trên địa bàn TP.HCM có 93 chợ trên tổng số 234 chợ truyền thống đã tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch do có liên quan đến các ca nhiễm COVID-19. |