Tố cáo nhiều cá nhân
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo đơn tố cáo của cựu tử tù Liên Khui Thìn.
Trong đại án kinh tế Epco - Minh Phụng 24 năm trước, ông Liên Khui Thìn (Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Epco) bị tuyên án tử hình về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, do đã cấu kết với một số người chiếm đoạt tiền Nhà nước thông qua các hợp đồng vay ngân hàng. Ông Thìn đã dùng tiền này để mua nhiều bất động sản tại quận 2, quận 9... và sau đó không có khả năng trả nợ ngân hàng.
Theo phán quyết của tòa, những khoản tiền ông Thìn đầu tư vào các khu đất phải được thu hồi để thanh toán cho ngân hàng, khắc phục thiệt hại cho Nhà nước. Do vậy, tòa đã giao các tài sản này cho Công ty Epco phối hợp cơ quan thi hành án thu hồi.
Sau đó, ông Thìn được Chủ tịch nước chấp nhận đơn xin ân giảm từ án tử hình xuống tù chung thân. Hơn 10 năm cải tạo tốt, thi hành án trên 500 tỷ đồng... ông Thìn tiếp tục được giảm án rồi được đặc xá năm 2009.
Nhiều năm sau đó, ông Thìn gửi đơn đến các cơ quan tố tụng tố cáo một số cá nhân đã lợi dụng thời gian ông ngồi tù, cố tình làm sai phán quyết của tòa khi thi hành án, bán rẻ và chiếm đoạt những tài sản của ông tại Công ty Epco, Công ty TNHH An Khánh và Công ty TNHH Hồng Long.
Cũng theo đơn tố cáo, ông Thìn cho biết, hiện còn phải liên đới khắc phục hơn 700 tỷ đồng cho Nhà nước. Và theo bản án đã tuyên, toàn bộ số tiền ông phải khắc phục là tài sản của Nhà nước nên các tài sản này phải được thu hồi theo trình tự. Khi ông nộp xong hơn 700 tỷ đồng theo quyết định thi hành án, phần tài sản còn lại mới do các thành viên góp vốn trong các công ty trên hay người liên quan khác quyết định.
Nhiều tài sản bị "bán rẻ"?
Trong tài liệu gửi đến cơ quan điều tra, ông Thìn cho rằng một số người đã cố tình hiểu sai bản án, tự ý "bán rẻ" tài sản để chiếm đoạt.
Đơn cử như khu đất 5.000 m2 tại phường Thảo Điền, quận 2 - trước đây là thửa 151D ấp An Điền, xã An Phú, huyện Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức). Lô đất này được ông Thìn mua với giá 400 lượng vàng vào năm 1991. Sau này khi thành lập Công ty TNHH thương mại Epco, ông đã sang tên cho công ty để lập dự án.
Theo ông Thìn, trong thời gian ông ngồi tù, người được giao quản lý tài sản của Epco đã củng cố pháp lý khu đất, đủ điều kiện để đấu giá phát mãi. Người này sau đó tự ý chuyển nhượng trái phép cho cá nhân khác.
Tương tự, khu đất số 26, 26A, 28 tại đường Thảo Điền do ông Thìn đầu tư cùng 2 công ty lập dự án rộng 10 ha năm 1992. Sau đó, xin tách ra 3 ha để lập dự án riêng. Phần đất này sau đó cũng bị người quản lý thu hồi tài sản cho Công ty Epco chuyển nhượng trái phép.
Hay 4.100 m2 khác tại phường Thảo Điền được ông Thìn mua năm 1994 với giá hơn 1,5 triệu đồng/m2. Một năm sau, chủ đất xin mượn lại giấy tờ để hoàn tất thủ tục, nhưng sau đó chiếm giữ.
Vụ việc được TAND quận 2 giải quyết. Năm 2008, đại diện Công ty Epco đã chấp nhận giao lô đất cho chủ cũ để nhận số tiền 3,9 tỷ đồng mà không yêu cầu đấu giá tài sản gây thiệt hại, giá trị thi hành án lúc đó khoảng 20 tỷ đồng.
Đối với lô đất tại phường An Phú, quận 2, ông Thìn đầu tư dự án khu dân cư với diện tích 10 ha từ năm 1991. Giai đoạn một dự án đã hoàn thiện pháp lý với 38.000 m2, được giao cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam quản lý thu hồi nợ. Phần còn lại 6,2 ha chưa hoàn thiện pháp lý thuộc diện phải thu hồi để thi hành án nhưng không được thực hiện.
Ngoài những bất động sản này còn nhiều tài sản khác thuộc sở hữu của ông tại Công ty Epco và một số công ty khác chưa hoàn thiện pháp lý về quyền sử dụng, hoặc quyền sở hữu nhà. Vì vậy, tòa án đã không chấp nhận đưa các tài sản này vào vụ án để cân đối nợ mà phải thu hồi để thi hành án cho ông Thìn, nhưng hiện đã rơi vào tay một số tư nhân trái pháp luật.
"Tiền tôi dùng để mua các bất động sản được xác định là tiền phạm tội mà có. Công ty Epco chỉ có nhiệm vụ thu hộ để thi hành án. Giá trị thật, giá trị sinh lợi sau khi trừ đi các chi phí hợp lý phải được công khai và đúng pháp luật" - ông Thìn nêu trong đơn.
Xuân Duy