Chiều 1/7, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Văn Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ đã chủ trì họp báo thông báo kết quả phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 và trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội. Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an đại diện Bộ Công an dự buổi họp báo.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Phiên họp thường kỳ tháng 6 hết sức quan trọng để nhìn lại những kết quả 6 tháng đầu năm, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm; cũng như giải quyết một số vấn đề quan trọng khác. Cụ thể, tại Phiên họp này, Chính phủ đã nghe, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm; về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới công tác phòng chống dịch COVID-19; một số nội dung liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thời gian qua.
Gói hỗ trợ mới 26.000 tỷ: Bảo đảm chính sách phủ kín được những người cần hỗ trợ
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, chiều ngày 1/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trước đại dịch COVID -19 với trị giá 26 nghìn tỷ đồng. Mục tiêu và các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung chủ yếu 2 đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động, đối tượng chủ yếu là công nhân và người lao động trực tiếp. Trong đó, có 4 nguyên tắc cơ bản là: Đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai. Chính sách: đơn giản nhất, dễ tiếp cận nhất, thủ tục hành chính giảm 2/3 so với Nghị quyết 42; Đảm bảo khả thi, mỗi đối tượng được hỗ trợ 1 chính sách, phụ nữ mang thai, trẻ em đang điều trị COVID, trẻ em cách ly, người trực tiếp chăm sóc trẻ em được hỗ trợ từ 2 chính sách trở lên. Phân chia ngân sách với trách nhiệm cộng đồng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông báo kết quả họp thường kỳ Chính phủ |
Nghị quyết 68 có 12 nhóm chính sách. Thứ nhất là sẽ giảm mức đóng bảo hiểm về tai nạn, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng. Theo chính sách này, thì sử dụng người lao động sẽ không phải đóng 0,5% mức lương cho bảo hiểm tai nạn, nghề nghiệp mà sẽ trả số tiền này cho người lao động. Người lao động vẫn được hưởng mọi chính sách, chế độ nếu xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chính sách này có giá trị 3.800 tỷ, 11 nghìn lao động được hưởng chính sách này, không áp dụng với lực lượng vũ trang.
Thứ 2 là tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất. Thứ 3 là chính sách đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động. Theo đó, quỹ bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng để hỗ trợ người lao động được học tập, đào tạo, mỗi người được 1,5 triệu/tháng, không quá 6 tháng… Thứ 4 là hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Thứ 5 là chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; thứ 6 là hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; thứ 7 là chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em…
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi tại buổi họp báo |
Hỗ trợ cho người lao động tự do như thế nào?
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hỗ trợ cho người lao động tự do bị ảnh hưởng do COVID -19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo Nghị quyết 68, Chính phủ thống nhất có chủ trương hỗ trợ lao động tự do, giao toàn quyền cho địa phương căn cứ vào tình hình, ngân sách để xây dựng đối tượng, mức tiền hỗ trợ. “Theo Nghị quyết 42 trước đây, việc giải ngân khó khăn do có nhiều thủ tục, nhiều nơi, cán bộ cơ sở phải đi lại nhiều lần, rất vất vả. Chính vì vậy, đợt này, Chính phủ giao cho địa phương tự quyết định đối tượng, mức hỗ trợ tuỳ theo khả năng ngân sách cũng như huy động ở địa phương. Ví dụ như ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hỗ trợ cho đối tượng là lái xe ba gác, bán vé số dạo… Đà Nẵng thì hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch được vay đến 100 triệu. Chính phủ đưa ra quy định mức hỗ trợ tối thiểu là 1,5 triệu/tháng/người” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, từ khi có đại dịch COVID đến nay ước tính các gói hỗ trợ đối với tất cả các đối tượng là khoảng 160 nghìn tỷ, trong đó, hỗ trợ theo Nghị quyết 42 khoảng 39 nghìn tỷ với 14,4 triệu người được thụ hưởng với. “Bộ Lao động sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng quyết định để hướng dẫn thực hiện Nghị quyết tinh giản tối đa điều kiện, thủ tục” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.