- Hơn 60 người chết trong biểu tình ở Colombia
- Vụ bê bối "Falsos Positivos" chấn động Colombia: Bê bối đổ bể
- Băng đảng Colombia lợi dụng đại dịch để khai thác trẻ em
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài hơn 20-30 năm mà vẫn chưa được giải quyết. Một trong những cuộc khủng hoảng được vị chuyên gia của tổ chức UNICEF nhấn mạnh là việc hàng trăm nghìn trẻ em vẫn đang phải sống ở dưới cống ngầm tại Colombia.
Sống chết trong bóng tối
Thế giới biết đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Colombia vào khoảng đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Truyền hình đăng tải hình ảnh từng đám trẻ em tụm hai, tụm ba dưới cống nước ngập ngang hông. Các em trốn những toán dân vệ đã lấy đi mạng sống của cha mẹ mình. Chính phủ Colombia ra lệnh cho cảnh sát, quân đội và dân quân chia thành các nhóm dân vệ đi từng thôn xóm tìm quân nổi dậy hay những băng đảng buôn ma túy mà tiêu diệt. Quân nổi dậy lẫn đám gangster không thấy đâu, chỉ thấy dân vệ bắt bớ, giết dân thường vô cớ. Nhiều em nhỏ chỉ kịp thoát chết bằng cách trốn xuống cống.
Đã gần 40 năm từ khi câu chuyện này bắt đầu. Trong số ít những em nhỏ khi đấy còn sống sót, nhiều người vẫn phải sống dưới cống, một số người còn có cả con cái nữa. Một phóng viên CNN tác nghiệp ở Colombia kể lại cảnh sống trong cống như sau: “Một số người may mắn thì tìm được những ống cống đứng không còn dùng được nữa. Cứ vài ba người chui rúc trong một không gian rộng chưa đầy mười mét vuông. Mùa nắng thì bên trong ống cống nóng không chịu được. Còn mùa mưa thì họ đành đóng chặt nắp cống lại rồi đi chỗ khác trú mưa. Họ tự coi mình là may mắn vì còn được ở nơi có ánh nắng mặt trời!”.
Nhiều em nhỏ trở thành mồ côi sau khi cha mẹ bị giết. |
“Những người chậm chân hay trẻ em thì sống trong những cái cống thoát nước mưa nằm bên cạnh bờ sông” - phóng viên nói trên kể tiếp - “Một đoạn ống dài vỏn vẹn 10-15m mà có 8-9 người sống cạnh nhau với rác thải, phân người, chuột và gián. Những người vô gia cư không còn cách nào khác là phải chịu sống trong cảnh quanh năm tối tăm và hôi hám. Hãn hữu lắm họ mới tìm được một mẩu nến thừa hay ít gỗ khô để đốt lên cho sáng!”.
Cả một thế hệ trẻ em Colombia sống dưới cống được gọi chung bằng cái tên “los desechables” (đồ thừa). Đấy là thái độ mà chính quyền và nhiều người dân Colombia coi các em. Colombia nằm trong số những quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới. Nền kinh tế nước này tăng trưởng liên tục nhưng chất lượng sống của đại đa số người dân không tăng. Số người giàu nhất Colombia chiếm 10% nhưng có thu nhập gấp 30 lần so với 40% số người nghèo nhất xã hội.
Chính quyền Colombia từng nhiều năm liền không muốn công nhận cuộc khủng hoảng nhân đạo diễn ra ở nước mình ngay cả khi số liệu đã rõ ràng: 3 triệu trẻ em Colombia từ 5 đến 17 tuổi thất học; 34,5% sống không có cha mẹ và 600.000 trẻ em không có nhà ở. Phải khó khăn lắm cộng đồng thế giới, các tổ chức nhân đạo mới tạo đủ sức ép để buộc chính quyền có những chính sách hỗ trợ khẩn cấp và lâu dài cho trẻ em.
Những người thắp hy vọng
Một trong những tổ chức đi đầu trong nỗ lực gây sức ép lên chính phủ là quỹ Fundation Ninos de los Andes. Người sáng lập tổ chức là Jaime Jaramillo. Ông vốn là một kỹ sư chuyên lặn biển để thăm dò các mỏ dầu. Vào một ngày nọ, khi đang đi trên đường phố Bogota, Jaime bất chợt nhìn thấy một cô bé bật nắp cống giữa đường chui xuống. Vì tò mò, ông mặc bộ đồ lặn và đeo bình dưỡng khí rồi chui xuống cống. Vị kỹ sư vô cùng bất ngờ lẫn kinh hoàng khi tìm thấy 90 đứa trẻ cùng trốn trong cống, trong đó có một em gái đang mang thai sau khi bị dân vệ hãm hiếp.
Bị ám ảnh bởi cảnh tượng đó, ông bắt đầu ngụp lặn khắp các cống rãnh ở Bogota để tìm trẻ. Jaime kể lại: “Bạn phải vừa khỏe, vừa vững tâm thì mới xuống cống được. Muỗi, chuột, đỉa có ở khắp nơi. Bạn phải cẩn thận từng bước kẻo ngã nhào xuống nước. Tôi từng một lần ngã rồi bị tiêu chảy suốt cả tháng!”.
Sau nhiều năm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, Jaime Jaramillo nhận ra rằng: một mình không đủ sức giúp tất cả các em. Ông thành lập quỹ Fundation Ninos de los Andes vào năm 1988 với mục đích kêu gọi mọi người góp tiền, góp sức cưu mang các em. Ngày nay tổ chức thực hiện cùng lúc nhiều chương trình hỗ trợ trẻ em khác nhau như xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, đào tạo việc làm, v.v... Không ít trẻ em đã được quỹ kéo ra khỏi con đường nghiện ngập, trộm cắp và tự tạo lập cuộc sống riêng cho mình.
Khi Jaime Jaramillo và lãnh đạo các tổ chức nhân đạo khác tại Colombia được hỏi về điều gì trẻ em nước này cần nhất, câu trả lời chung của họ là sự công nhận và hỗ trợ từ chính phủ. Robyn Braverman, giám đốc chi nhánh tại Colombia của tổ chức quốc tế Save the Children nhận xét: “Dường như chính quyền các cấp đều muốn làm ngơ. Ở cấp trung ương, họ lấy lý do nợ ngân sách và chi tiêu quốc phòng để không lập khoản mục hỗ trợ riêng cho trẻ em. Còn ở cấp địa phương các cơ quan hành pháp không có động thái gì trước những vụ việc bạo lực trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em. Chỉ riêng tại Bogota đã có 600 trẻ em bị giết trong vòng 5 năm qua!”.
Những nhà hảo tâm và tổ chức từ thiện tại Colombia đang tìm mọi cách giúp đỡ trẻ em nước này. Họ mong muốn kéo các em ra khỏi cuộc sống tăm tối, bẩn thỉu dưới cống ngầm để tái hòa nhập cộng đồng. Nỗ lực chung của họ đã đạt được những bước tiến quan trọng trong hoạt động khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng nhân đạo trẻ em tại Colombia. Vậy nhưng, trong bối cảnh Colombia nói riêng và khu vực Trung Mỹ nói chung đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như COVID-19, chiến tranh và biến đổi khí hậu, những thành quả nói trên có thể sẽ bị xóa sổ trong chốc lát nếu như không nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ và củng cố từ chính phủ nước này.
Vũ Vũ (Tổng hợp)Xem thêm: /347746-ioh-ax-ed-nav-gnuhn-iaig-nan-aibmoloC/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna