Ý tưởng về cuộc họp thượng đỉnh Nga-EU đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra hôm 23-6, một tuần sau cuộc họp kéo dài 3 giờ giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden.
Dư luận chia làm 2 luồng ý kiến đối với đề xuất của Pháp và Đức. Những người ủng hộ đề xuất cho rằng việc tổ chức họp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin có cái lợi lới, đó là các lãnh đạo EU có cơ hội trực tiếp đặt ra các vấn đề khúc mắc với Tổng thống Putin, tương tự như Tổng thống Mỹ Biden đã làm trong cuộc họp tại Geneva. Một cái lợi nữa là việc gặp mặt và đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga còn giúp EU rộng cửa hợp tác với Nga trên nhiều lĩnh vực, giúp đôi bên cùng có lợi và tránh đối đầu.
Bà Angela Merkel, ông Emmanuel Macron đã gợi ý một hội nghị thượng đỉnh EU với Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Thành phần phản đối quan hệ gần gũi hơn với nước Nga thì không đồng ý tổ chức gặp mặt thượng đỉnh. Những người này cho rằng việc EU “chạy theo” thành công của cuộc họp thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Geneva sẽ vô tình tạo cú hích đối với Tổng thống Putin, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ Nga-Ukraine đang căng thẳng xung quanh việc Nga chuyển quân áp sát biên giới phía Đông Ukraine. Vấn đề nước Nga bị cáo buộc liên quan loạt vụ tấn công mạng gần đây nhắm vào các mục tiêu Mỹ và đồng minh cũng được mang ra làm lý do để phản đối.
Đúng là vấn đề Ukraine đã được Tổng thống Biden quan tâm khi ông đến gặp mặt Tổng thống Putin nhưng đó không chiếm quá nhiều thời lượng trao đổi giữa 2 nhà lãnh đạo. Dù sao thì Ukraine cũng không phải là ưu tiên hàng đầu của Biden, trái hẳn so với người tiền nhiệm Donald Trump. Vấn đề tấn công mạng là mối bận tâm hàng đầu của ông Biden khi hội đàm với Tổng thống Putin, được ông nhấn mạnh trong hội đàm.
Những kết quả hữu ích của cuộc gặp Geneva là to lớn hơn so với những vấn đề khúc mắc giữa hai bên. Cuộc gặp được đánh giá là “tốt và tích cực”, với việc hai nhà lãnh đạo trao đổi với nhau một cách thẳng thắn nhưng ôn hòa, lịch sự và một số kết quả cụ thể đạt được. Trong đó, kết quả quan trọng nhất là hai bên đều nhất trí với nhau rằng sự ổn định chiến lược là quan trọng nhất, vì thế cần phải giữ gìn sự ổn định chiến lược. Một bước đi quan trọng sắp tới là đại sứ hai nước sẽ quay trở lại thủ đô của đối phương trong thời gian không xa.
Đối với EU, đã lâu rồi lãnh đạo khối này không có cuộc gặp mặt trực tiếp song phương với Tổng thống Nga Putin, nhất là kể từ khi xảy ra vụ việc miền Đông Ukraine ly khai và Nga tái sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Từ sau vụ việc đó, quan hệ Nga-EU đã trở nên xấu đi, với việc EU đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước Nga.
Trong những năm gần đây, chính sách của EU đối với Nga chủ yếu dựa là áp dụng các biện pháp trừng phạt nhẹ nhàng, các đề nghị đối thoại và tuân thủ cẩn thận những chiến lược nhạy cảm của Nga. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Nga đối với EU thì ít có sự điều chỉnh hơn, trong đó chủ yếu là những nỗ lực nhằm hạn chế việc EU gia tăng ảnh hưởng tại những khu vực rộng lớn xung quanh nước Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến công du châu Âu. |
Giới bình luận cho rằng EU cần có cách tiếp cận rõ ràng hơn và thay đổi hơn so với hiện nay, bao gồm việc dùng áp lực ngược lại, kiềm chế và lôi kéo Nga, sẵn sàng cho các tương tác ngoại giao khó khăn với nước Nga. Khối này nên điều chỉnh lại cách nói về nhân quyền và dân chủ, đồng thời phát triển các mối liên kết chặt chẽ hơn về an ninh và quân sự với các nước láng giềng được chọn ở Balkan, khu vực lân cận phía Đông, Trung Đông và châu Phi. EU cần tiếp tục kết nối có chọn lọc với chính phủ và xã hội của Nga thông qua các thể chế đa phương, đơn giản hóa thủ tục thị thực và đối thoại với nhiều tổ chức.
Trong nhiều lĩnh vực, Nga hài lòng với mức độ hợp tác thiết thực hiện nay với châu Âu. Doanh số bán khí đốt của Nga sang EU đã đạt mức cao kỷ lục. Hơi nghịch lý là mối quan hệ chính trị càng trở nên tồi tệ thì EU càng mua nhiều khí đốt của Nga. Về mặt ngoại giao, đối đầu đã không làm gián đoạn đối thoại EU-Nga. Về một số vấn đề, cuộc đối thoại này thậm chí còn tăng cường. Kyiv, Moscow, Berlin và Paris tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường xuyên ở cấp người đứng đầu chính phủ theo định dạng Normandy, trong khi đại diện các nước thường xuyên liên lạc với nhau về các vấn đề liên quan đến cuộc chiến ở Donbas trong một số nhóm làm việc trong quy trình Minsk.
Nhìn vào sự thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Biden-Putin, các lãnh đạo EU cũng không khỏi cảm thấy cần thiết phải hành động nhất định đối với nước Nga. “EU cần thoát khỏi vòng xoáy tiêu cực hiện nay... Và EU cũng cần phải đoàn kết để tiến về phía trước” - hãng tin Reuters dẫn nguồn quan chức EU nói. Vị này cho rằng một cuộc gặp thượng đỉnh Nga-EU như đề xuất của Pháp và Đức có thể sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia vùng Baltic. Với quy chế đồng thuận trong mọi vấn đề, EU sẽ không thể thực hiện được ý định đối thoại với nước Nga nếu có bất kỳ thành viên nào trong khối không tán thành.
Đặc biệt, ý tưởng của Pháp và Đức xuất hiện đúng vào lúc Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken đang có chuyến công du vòng quanh khối EU để truyền đạt quan điểm, chính sách của Tổng thống Biden để “thống nhất” trong chính sách của Mỹ và EU đối với nước Nga. Ông Blinken đã đến Berlin hôm 23-6 và gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel. Sau Berlin, ông dự kiến đến Paris để gặp Tổng thống Pháp Macron và sau đó đến Rome.
An Châu (tổng hợp)Xem thêm: /647746-agN-iov-hnid-gnouhT-poh-noum-gnuc-UE/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna