- Xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại
- Xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại
Nhạy bén thông tin và tính chính trị
Phát triển kinh tế trong chế độ xã hội chủ nghĩa không nằm ngoài lợi ích phục vụ Nhân dân. Chính sách của Đảng và Nhà nước ta luôn lấy con người là trung tâm của sự phát triển. Vì vậy, không phát triển kinh tế bằng mọi giá. Nếu kinh tế phát triển mà mục đích trái với lợi ích quốc gia, dân tộc, không đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân thì vô nghĩa. Chỉ rõ điều đó để xác định mọi chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước ta đề ra đều không nằm ngoài mục đích phục vụ Nhân dân, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn thịnh, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Một buổi họp báo tại Trung tâm báo chí TP. Hồ Chí Minh. |
Tuy nhiên, có lúc, có nơi, quá trình thực hiện chính sách ở cơ sở còn bất cập, tùy tiện, chủ quan duy ý chí, tham nhũng, lợi ích nhóm của một số cá nhân dẫn đến sai lầm, khuyết điểm... gây ảnh hưởng xấu đến niềm tin của người dân đối với chính quyền. Vì vậy, trách nhiệm của nhà báo về quyền phản ánh, giám sát và phản biện cần nhạy bén trước các vấn đề thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội, gắn với đời sống dân sinh phức tạp đang diễn ra. Làm sao giữ tròn trọng trách của nhà báo có tâm và tầm, tròn trọng trách với đất nước, Nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện.
Có giai đoạn ở Tây Nguyên, tôi cứ thích xông vào những vụ việc phức tạp về quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, xây dựng... Bởi lĩnh vực này luôn nhạy cảm trong việc cấp phép đầu tư dự án, khai thác rừng, khoáng sản... và dễ nảy sinh tiêu cực. Nhưng, khi phản ánh những vấn đề tiêu cực lại rất nhạy cảm bởi trong giai đoạn các thế lực xấu, phản động ráo riết chống phá chính quyền, kích động một số người dân tộc thiểu số biểu tình, gây rối...
Khi bài viết gửi về tòa soạn, có lãnh đạo nhắc nhở, làm báo không tỉnh táo đưa những thông tin tiêu cực lúc này như đổ thêm dầu vào lửa, bọn phản động tạo cớ kích động. Khi ấy mình mới nhận ra, nếu không tỉnh táo trong phản ánh thông tin dễ để kẻ xấu, các thế lực phản động lợi dụng xuyên tạc, kích động. Những lúc này cần cung cấp thông tin sai phạm cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định, vừa bảo đảm tính chính trị, pháp luật và trách nhiệm giám sát, phản biện của nhà báo. Vì vậy, công tác truyền thông báo chí trong đấu tranh, phản biện phải thể hiện đúng lúc, phù hợp giai đoạn thực tiễn của xã hội để làm sao vừa chống được tiêu cực, tham nhũng, vừa góp phần ổn định xã hội, phục vụ cho sự phát triển của đất nước là vấn đề nhạy bén của người cầm bút và trách nhiệm của người đứng đầu các phương tiên truyền thông, cơ quan báo chí.
Giám sát, phản biện vì lợi ích chung
Hàng loạt vụ án tham nhũng từ đất đai, xây dựng hạ tầng, tài chính ngân hàng, tài sản công... đã và đang bị xử lý trong thời gian gần đây cho thấy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta đang rất quyết liệt và được đông đảo nhân dân ủng hộ. Vai trò giám sát, phản biện của truyền thông báo chí có sự góp sức quan trọng trên mặt trận nóng bỏng này.
Sự giám sát, phản biện không phải soi mói, tìm sơ hở để chỉ trích, đả kích theo kiểu cá nhân, vụ lợi, mà phải đứng trên nền tảng quy định của pháp luật, đạo đức công vụ của người làm báo. Từ cách nhìn nhận pháp luật đúng đắn, nhà báo sẽ chỉ ra mặt được và chưa được của các cá nhân, tổ chức trong việc thực thi pháp luật, chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, từ đó có hướng xử lý các sai phạm, góp phần bảo vệ công lý, đưa pháp luật đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và công bằng.
Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng Biên tập Báo CAND (bìa trái) tặng quà bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh. |
Thực tiễn về thực thi chính sách và pháp luật của bất cứ thể chế chính trị nào trong từng giai đoạn phát triển cũng có những bất cập. Ở nước ta, vấn nạn tham nhũng, quan liêu đã từng bước bị đẩy lùi nhờ sự đổi mới mạnh mẽ, bằng quyết tâm cao của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy tình trạng tiêu cực, tham nhũng lĩnh vực tài sản công vẫn diễn ra phức tạp. Để khắc phục, một trong những yếu tố góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực, tham nhũng đó là tính công khai, minh bạch đối với việc bố trí, quản lý, sử dụng tài sản công. Vấn đề này nhằm giúp cho mọi người dân và các cơ quan chức năng, truyền thông báo chí có điều kiện giám sát và phản biện khi phát hiện sai phạm.
Quy định pháp luật về việc công khai, minh bạch tài sản công thì đã có nhưng các chủ thể có trách nhiệm quản lý tài sản công có thực hiện đúng các quy định này hay không là một chuyện khác. Nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng đất công xảy ra hàng chục năm, đến khi cơ quan thanh tra vào cuộc, báo chí phản ánh thì mới phát hiện, xử lý. Chính vì vậy, yếu tố rất quan trọng đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, đó là hoạt động giám sát và phản biện. Trong đó vai trò của báo chí truyền thông góp phần kiểm soát quyền lực và hoàn thiện chính sách công.
Theo nghiên cứu khảo sát của PGS, TS Nguyễn Văn Dững - Học viện Báo chí và Tuyên truyền: nhận thức, thái độ của nhà báo và công chúng đối với vấn đề giám sát, phản biện xã hội qua cuộc điều tra trên phạm vi 4 địa điểm: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và tỉnh Quảng Ninh cho thấy có sự khác nhau theo khu vực. Tuy nhiên, cái chung được những người làm báo đề cập tới nhiều nhất là theo dõi việc xây dựng, ban hành, triển khai, thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; theo dõi các thiết chế công dân (văn hóa, kinh tế, giáo dục, pháp luật...). Báo chí khu vực TP. Hồ Chí Minh quan tâm nhiều đến các vai trò phòng, chống tham nhũng, đấu tranh cho công bằng và nâng cao kiến thức, nhận thức cho người dân...
Thực tiễn cho thấy, khó khăn nhiều nhất đến hoạt động và hiệu quả giám sát, phản biện của báo chí là các yếu tố về môi trường pháp lý và năng lực nhà báo, vai trò lãnh đạo điều hành của cơ quan báo chí. Một thực tế không thể không đề cập là tính thương mại hóa báo chí đã phần nào làm hạn chế tính phản biện hoặc làm lệch lạc tính chiến đấu. Đối với các nhà báo, cơ quan báo chí, việc đăng tải thông tin phản ánh vấn đề tiêu cực trên các sản phẩm báo chí không dễ dàng, nhất là khi đụng chạm tới các quy định pháp luật, các cơ quan công quyền, các nhóm lợi ích, hay mối quan hệ “nhạy cảm”.
Cũng qua một khảo sát cho thấy, hơn 50% nhà báo cho rằng mình chưa đóng góp hoặc đóng góp còn hạn chế trong vai trò giám sát, phản biện của báo chí; khoảng hơn 43% cho rằng cá nhân mình có đóng góp đáng kể. Tuy nhiên, vấn đề cũng chỉ dừng lại phản ánh vụ việc, rất ít các nhà báo chú trọng, trực tiếp điều tra các vụ tiêu cực, bảo vệ cá nhân chống tiêu cực, phê phán và đề xuất giải pháp điều chỉnh, khắc phục các thiếu sót, lạc hậu, trì trệ...
Nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội cà phê Tây Nguyên. |
Để nâng cao vai trò, hiệu quả báo chí giám sát, phản biện, cần cải thiện môi trường pháp lý, tăng cường hiệu lực của Luật Báo chí; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tác giả, tác phẩm báo chí có tính phản biện cao. Đặc biệt, phải nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ người làm báo. Muốn báo chí nâng cao năng lực giám sát, phản biện thì trước hết nhà báo phải có năng lực đó.
Điều đó đòi hỏi trách nhiệm, bản lĩnh của nhà báo và các cơ quan truyền thông báo chí có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ tuyên truyền, giám sát, phản biện để thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng đề ra.
Đặng Ngọc NhưXem thêm: /838646-neib-nahp-av-tas-maig-hnit-oac-gnaN/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna