Ký ức buồn của "Zico Thái"
Nếu đặt lên bàn cân, thành tích lọt được vào VCK World Cup U20 năm 2017 của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn xét về mức độ khó khăn là không hề kém cạnh so với cột mốc lịch sử mà thầy trò HLV Park Hang-seo vừa tạo được để lọt vào vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á.
Đáng tiếc là hơn 4 năm về trước, trong đội hình đem đến Hàn Quốc dự World Cup U20, HLV Hoàng Anh Tuấn hầu như "bỏ rơi" cầu thủ lò HAGL của bầu Đức . Có lẽ đấy là lý do chính khiến bầu Đức mỉa mai thành tích "để đời" của bóng đá Việt Nam ấy: "Nói về thành tích, hãy nói đơn giản là sân chơi Đông Nam Á chứ chưa cần nhìn xa xôi. Nếu gọi đi World Cup U20 là thành tích, thì phải xem xét liệu có may mắn, rồi dự giải có được trận thắng nào không".
Câu nói ấy đã làm thành tích "để đời" của HLV Hoàng Tuấn Anh cùng lứa cầu thủ "thế hệ vàng" của bóng đá Việt Nam với những Bùi Tiến Dũng, Văn Hậu, Đình Trọng, Quang Hải, Hoàng Đức, Tiến Linh, Hà Đức Chinh... mất đi ít nhiều giá trị. Cũng không hẳn chỉ bởi bầu Đức, mà phần nhiều là bởi "người Việt Nam yêu bóng đá, nhưng là thứ bóng đá chiến thắng cơ", như HLV Park Hang-seo từng nhận xét.
Ngày hôm nay, bóng đá thêm lần nữa đối mặt với "đỉnh núi cao vời vợi" như thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn ngày nào, và câu hỏi "Có thắng được trận nào không?" lại được đặt ra thêm lần nữa, lần này là cho thầy trò HLV Park Hang-seo. Không chỉ thế, câu hỏi ấy còn được đặt ra cho họ với hai cuộc chạm trán cùng đội tuyển Trung Quốc - đối thủ mà người hâm mộ Việt Nam hi vọng sẽ chiến thắng hơn mọi đội bóng khác.
Ngay cả khi không có hai cuộc đối đầu ấy, thì cứ soi chiếu vào đội tuyển Thái Lan của Kiatisuk hơn 4 năm trước thì sẽ rõ. Cũng bởi câu hỏi: "Có thắng được trận nào không" ấy, mà cột mốc lịch sử của bóng đá Thái Lan trở thành kỷ niệm buồn thê thảm với cả đội tuyển nước này, cũng như "vết thương lòng" đau nhói của Kiatisuk, kết thúc bằng việc "Zico Thái" phải từ chức trong bẽ bàng.
Trung Quốc đang "chiếm tiện nghi"
Sau hơn 4 năm, liệu đội tuyển Việt Nam hiện tại có mạnh hơn đội tuyển Thái Lan ngày ấy?
Câu trả lời là không. Bởi hơn 4 năm về trước đội tuyển Thái Lan của Kiatisuk lọt vào vòng loại cuối World Cup 2018 khu vực châu Á bằng "vé chính thức" khi đứng đầu bảng F - bảng đấu có sự góp mặt của Iraq, trong khi đó thầy trò HLV Park Hang-seo "lấy vé vớt" bằng bằng vị trí thứ tư trong số các đội nhì có thành tích cao nhất ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á.
Nếu như hơn 4 năm trước, "Zico Thái" cùng các học trò từng "làm gỏi" đội tuyển Việt Nam với hai trận thắng 1-0 và 3-0, thì ở vòng loại thứ hai lần này, đội tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo vẫn chưa "trả được món nợ" với người Thái khi chỉ hòa cả hai trận gặp nhau.
Giống với đội tuyển Việt Nam hiện tại, hơn 4 năm trước Thái Lan phải đụng độ với cả Nhật Bản, Saudi Arabia lẫn Australia ở vòng loại cuối World Cup 2018 khu vực châu Á. Trừ Nhật Bản nằm ở "đỉnh cao vòi vọi", thì Saudi Arabia và Australia đều có vé đi tiếp. Saudi Arabia lọt vào VCK World Cup 2018 bằng "cửa chính", còn Australia đi "cửa phụ" bằng chiến thắng trước Syria ở trận play-off châu Á, tiếp đó là trước Honduras ở trận play-off liên lục địa.
Trước các đối thủ đều sừng sỏ, cũng như Thái Lan hơn 4 năm về trước, đội tuyển Việt Nam có cực kỳ ít cửa đi tiếp. Mục tiêu khả dĩ nhất của thầy trò HLV Park Hang-seo là kiếm được càng nhiều điểm càng tốt, và có được kết quả tốt nhất trước "đối thủ đáng ghét" Trung Quốc.
Có khá nhiều điểm chung giữa đội tuyển Việt Nam của thầy Park và đội tuyển Trung Quốc trong tay HLV Lý Thiết. Điểm chung lớn nhất chính là dàn cầu thủ quen thuộc. Ở Asian Cup 2019, Trung Quốc là đội bóng "già" nhất giải, với tuổi trung bình vượt qua con số 29. Đội tuyển Trung Quốc hiện tại cũng vậy, với đầy ắp các cầu thủ trên dưới 30 tuổi. Và đội hình chính được HLV Lý Thiết tin tưởng khá cố định.
Thầy Park cũng thế khi cực kỳ "trung thành" với những cầu thủ đã từng cùng mình thành công suốt gần 4 năm qua. Những sự thay đổi của ông thầy người Hàn Quốc hầu hết là do bất khả kháng, khi Anh Đức đã quá già, Bùi Tiến Dũng không thể so được với Văn Lâm, Hùng Dũng, Tuấn Anh, Đình Trọng chấn thương.
Nhưng sự khác nhau khiến Trung Quốc đang "chiếm tiện nghi" trước đội tuyển Việt Nam chính là dàn "ngoại binh" khủng. Những Elkeson, Alan Carvalho, Tyias Browning, Nico Yennaris hay Fernandinho đều đem lại "làn gió mới", giúp đội tuyển Trung Quốc thi đấu cực kỳ khởi sắc trên đất UAE vừa qua, đem về 4 trận thắng liên tiếp giúp họ có được chiếc vé đi tiếp sau chuỗi dài bết bát.
Tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng ở đấy khi họ vừa tiếp tục nhập tịch thành công Alan Kardec - ngoại binh "hàng khủng" gốc Brazil hứa hẹn sẽ làm khổ rất nhiều hàng phòng ngự của các đội bóng chung bảng lần này, chứ không chỉ mỗi Việt Nam.
Sức mạnh từ dàn "ngoại binh" hạng sang, đều là những cầu thủ hàng đầu của Super League sẽ củng cố cực kỳ đáng kể cho tham vọng đoạt vé dự VCK World Cup 2022, chứ không chỉ để đối phó với những đội bóng được đánh giá là "lót đường" như đội tuyển Việt Nam.
Liệu thầy trò HLV Park Hang-seo có cửa thắng Trung Quốc, hay chí ít là kiếm được một trận hòa trước "đối thủ đáng ghét" này? Có. Dù khó.
Sức mạnh của "chiến binh sao vàng" đến từ đâu?
Các học trò của HLV Park Hang-seo đã chơi cực hay trước không ít đối thủ mạnh châu Á. Từ Thường Châu 2018 cho đến Dubai 2021, họ đã từng không ít lần chạm mặt các anh hào châu Á, từ U23 cho đến đội tuyển quốc gia, và không ít trong số đó là bại tướng dưới tay thầy trò HLV Park Hang-seo, trong số đó có cả Nhật Bản, Australia, Nhật Bản lẫn Oman.
Nhưng đáng chú ý là các học trò của thầy Park chơi rất hay trong những trận đấu mà họ có được tâm lý thoải mái. Trận đấu với U23 Hàn Quốc ở khai màn giải U23 châu Á 2018 là ví dụ tiêu biểu nhất. Trước đối thủ quá tầm, Quang Hải và các đồng đội nhập trận với tâm lý cực kỳ thoải mái và thậm chí ghi bàn thắng mở tỷ số, khiến U23 Hàn Quốc phải "mướt mồ hôi" mới lội ngược dòng thành công. Cũng ở giải đấu ấy, sự thoải mái, tự tin giúp họ lọt vào tận trận chung kết.
Tương tự như thế là trận thắng 2-0 của U22 Việt Nam trước U22 Trung Quốc ngay tại Vũ Hán, cũng như trận thắng 1-0 của đội tuyển Việt Nam trước UAE ở Mỹ Đình. Mẫu số chung đều là sự thoải mái về mặt tâm lý.
Ngược lại, mỗi khi dính phải sự căng thẳng trước những "đại kình địch", hay những trận quyết định, các học trò của HLV Park Hang-seo đều chơi dưới sức mình, đi kèm với đó là những kết quả không mấy tốt đẹp. Tiêu biểu là hai trận gặp Thái Lan ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, và đặc biệt là hai hình ảnh đối lập trong trận gặp UAE ở Dubai.
Trận đấu ấy, cả các cầu thủ lẫn HLV Park Hang-seo đều "dính đòn tâm lý" khi phải đối mặt với viễn cảnh bị loại nếu để thua, để rồi dính 3 bàn thua liên tiếp. Chỉ khi "không còn gì để mất", cộng với việc đã biết rằng mình chắc chắn giành vé đi tiếp, các cầu thủ mới cởi bỏ được sức ép tâm lý đè nặng, để tạo nên 30 phút quật cường trước đối thủ mạnh, gỡ lại 2 bàn.
Bởi thế, để có thể vượt qua "ngọn núi cao" là các đối thủ mạnh hơn ở vòng loại cuốu World Cup 2022 khu vực châu Á, cũng như "ngọn núi láng giềng" Trung Quốc, thầy Park không còn cách nào khác là phải "cởi bỏ" được câu hỏi của bầu Đức ra khỏi đầu, để "truyền lửa" cho các học trò ra sân với một tâm thế khác, tâm thế đã giúp họ không ít lần thành công.
Trong suốt gần 4 năm qua, đã không ít lần HLV Park Hang-seo đã khiến cả châu Á phải ngả mũ trước "phép màu" của mình. Những "phép màu" ấy, có sự góp sức không ít từ sự ủng hộ, cổ vũ đến từ người hâm mộ Việt Nam. "Chiến dịch" lần này không chỉ là một vài trận đấu, mà là hẳn 10 trận đấu, trong đó đội tuyển Việt Nam chắc chắn sẽ không ít lần phải nếm mùi chiến bại.
Thái độ của người hâm mộ sẽ quyết định rất nhiều đến trạng thái tinh thần của thầy Park, cũng như các học trò của mình ở những trận đấu cực điểm khó khăn này. Đã đến lúc người hâm mộ phải quên đi câu hỏi của bầu Đức, để dành sự động viên, cảm thông và yêu thương cho những "chiến binh sao vàng", cũng như HLV Park Hang-seo. Chỉ thế thôi là đủ.
Kim Thiền - Thiều Anh
Pháp luật & Bạn đọc