- Việt Nam dự kiến có 8 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong tháng 7
- Cần ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho nhóm nhân viên bán hàng thiết yếu
- Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 1 nghìn giáo viên, học viên ANND
Chúng ta kỳ vọng việc thế giới đạt miễn dịch cộng đồng sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu được nguồn lây ngoại vi nên ban đầu, phong toả, truy vết, cô lập các vùng dịch một cách cương quyết là cách làm đúng.
Nhưng khi tình hình thế giới đã thay đổi, Việt Nam cũng cần phải thay đổi. Và vaccine là lựa chọn đúng đắn nhất. Tuy nhiên, con đường vaccine không phải dễ dàng, và đơn giản như cách nghĩ cứ bỏ tiền ra là có như bất kỳ mặt hàng nào.
Tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng. |
Câu chuyện nguồn cung vaccine luôn là một bài toán hóc búa không chỉ ở dịch COVID -19 mà còn ở các chương trình phòng, chống dịch bệnh khác nữa. Lựa chọn vaccine phù hợp là điều rất khó, phụ thuộc ở nhiều yếu tố. Nguồn cung? Chất lượng vaccine? Bảo quản phức tạp mức độ nào? Giá cả ra sao? Hàng loạt câu hỏi dồn về một điểm, như một cái phễu vậy. Ở đó, không cho phép sự nôn nóng, chủ quan, phiên phiến bởi cái giá phải trả lớn vô cùng.
Có vaccine rồi, tiêm vaccine theo quy hoạch nào cũng là một nan đề. Những tính toán khoa học thì không dễ được hiểu và tiếp cận bởi số đông. Mối lo chung thì lớn. Do đó, các thông tin lèo lái, dẫn dắt có ý đồ xấu càng dễ khiến các chương trình tiêm vaccine bị nhìn với ánh mắt ngờ vực không đáng có.
Đã bắt đầu có những ý kiến kiểu như “tại sao lại không ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động nghèo?”. Đây là một dạng dẫn dụ vấn đề sai lệch rất nguy hiểm. Nó có thể gây chia rẽ sâu sắc, mất niềm tin trầm trọng trong bối cảnh cả nước cần chung một lòng chống dịch.
Thực tế, trước vaccine, mọi cá nhân bình đẳng như nhau, cho dù đó là một giáo sư hay một người nông dân. Cơ bản, bản chất bình đẳng này là thêm một người miễn dịch thì xã hội bớt đi một người có thể tạo ra những nguồn lây trung gian tiềm tàng. Bình đẳng ở đây là giữa một cá thể sinh vật với một cá thể sinh vật và mang tính dịch tễ không phân biệt ngành nghề, vùng miền, giai tầng…
Nhưng trong sự lựa chọn giữa các cá thể bình đẳng, sẽ có những ưu tiên mang tính khoa học. Tiêm vaccine cho lực lượng y tế, lực lượng quốc phòng, an ninh, lực lượng cửa khẩu, biên phòng… là một ưu tiên khoa học bởi họ sẽ là nguồn tiếp xúc nhiều rủi ro nhất. Đánh giá khoa học này luôn có cơ sở chứ không phải cảm tính bằng mô tả công việc đơn thuần. Bất kỳ quốc gia nào, ưu tiên khoa học cũng được đặt lên hàng đầu.
Kế đến là ưu tiên chính sách. Chính phủ quyết định các địa phương, các ngành sẽ là lực lượng chủ đạo, tiên phong để hồi phục kinh tế sau dịch, được ưu tiên tiêm ngừa trước các đối tượng khác. Rõ ràng, một người nông dân bình đẳng với một người công nhân hay một kỹ sư IT, một chuyên gia tài chính nhưng ở khía cạnh tạo ra giá trị xã hội để hồi phục nền kinh tế mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, họ không thể quân bình với nhau được. Sự ưu tiên là cần có, vì nó phục vụ một mục đích lớn lao nhất: Hồi sinh một quốc gia.
“Vaccine cho ai?” là câu hỏi rất lớn. Tất nhiên, vaccine cho tất cả mọi người nhưng đó là khi chúng ta đã đạt được trạng thái ổn định lý tưởng. Còn ở trong giai đoạn đi kiếm tìm sự ổn định lý tưởng ấy, vaccine cho ai là câu hỏi mà người trả lời là những nhà hoạch định chính sách, với phương pháp tiếp cận khoa học, có kế hoạch, có lộ trình chứ không phải người trả lời là một vài nhân vật dùng lá cờ dân tuý để thu hút sự quan tâm cho riêng mình nhưng thực chất đang phá vỡ sự đoàn kết cộng đồng.
“Vaccine cho ai?”, nên hỏi câu ấy với những kẻ phất cờ dân tuý rởm đời với loại vaccine khác. Vaccine chống vô sỉ và cạn nghĩ.
Văn Đoàn