Hãng AFP đưa tin chính phủ Pháp ngày 2-7 đã phủ nhận bất kỳ hành vi che đậy nào về các cuộc thử nghiệm hạt nhân ở Thái Bình Dương.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 1-7 đã triệu tập một cuộc họp bàn tròn kéo dài hai ngày để trao đổi về những cáo buộc thời gian gần đây rằng cuộc thử nghiệm hạt nhân của nước này giai đoạn năm 1966-1996 đã gây ô nhiễm không khí và lòng đất.
"Không có sự che đậy của nhà nước" – bà Genevieve Darrieusseq, lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng Pháp, trao đổi với AFP bên lề sự kiện.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP
Trước đó, trang web điều tra trực tuyến Disclose hồi tháng 3 đã dấy lên làn sóng khi cho biết đã phân tích khoảng 2.000 trang tài liệu quân sự của Pháp được giải mật vào năm 2013 về gần 200 cuộc thử nghiệm được thực hiện xung quanh vùng lãn thổ Polynesia thuộc Pháp.
Thông qua mô hình thống kê và sự giúp đỡ từ các học giả và chuyên gia, Disclose kết luận rằng "giới chức trách Pháp đã che đậy tác động thực sự của hoạt động thử nghiệm hạt nhân đối với sức khỏe của người dân Polynesia trong hơn 50 năm".
Cuộc họp bàn tròn của giới chức Pháp đã vấp phải phản ứng trái chiều từ các chính trị gia Polynesia, trong đó ông Moetai Brotherson – nghị sĩ đảng Tavini Huiraatira - đã từ chối tham dự cuộc họp này trừ khi phía Pháp đưa ra lời xin lỗi.
Đảng Tavini Huiraatira đã thông báo sẽ tổ chức một sự kiện phản đối ở Tahiti vào ngày 2-7.
Tuy nhiên, người đứng đầu Polynesia – ông Edouard Fritch – lại hoan nghênh động thái của Tổng thống Macron, dù trước đó từng đưa ra bình luận chỉ trích "sự khinh thường và kiêu ngạo" của Pháp.
"Chúng tôi cảm thấy rằng tổng thống Pháp thực sự đang có ý định lật sự đau thương này của tất cả chúng ta sang trang mới với việc cung cấp các nguồn lực trong tương lai, để người dân Polynesia có thể xây dựng lại niềm tin mà chúng ta luôn có ở Pháp” –ông Fritch nói.
"Đó là một tín hiệu mạnh mẽ mà ông ấy đã gửi đi" - ông Fritch nói thêm, bình luận về cam kết của ông Macron tại cuộc họp bàn tròn rằng ông sẽ đến Tahiti vào ngày 25-7.
Theo Disclose, đến nay, chỉ có 63 thường dân Polynesia, không bao gồm binh lính và nhà thầu, được bồi thường do phơi nhiễm phóng xạ từ các vụ thử hạt nhân.
Trang web cho biết họ đã sử dụng dữ liệu để đánh giá lại tình trạng ô nhiễm trên quần đảo Gambier, Tureia và Tahiti sau sáu vụ thử hạt nhân được cho là là gây ô nhiễm nhất trong lịch sử các vụ thử của Pháp ở Thái Bình Dương.
Disclose tuyên bố rằng kết luận của họ hoàn toàn khác với kết luận của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử và Năng lượng Thay thế Pháp (CEA), cơ quan có số liệu đóng vai trò tham khảo trong việc bồi thường cho các nạn nhân của các cuộc thử nghiệm.
Đảo san hô Mururoa và Fangataufa đã hứng chịu 193 vụ thử hạt nhân trong vòng ba thập niên cho đến khi tổng thống lúc bấy giờ là ông Jacques Chirac kết thúc chương trình vào những năm 1990, sau sức ép toàn cầu kêu gọi chấm dứt các vụ thử nghiệm.
Trong một chuyến công du tới khu vực hồi năm 2016, Tổng thống Pháp Francois Hollande lúc bấy giờ đã thừa nhận rằng các cuộc thử nghiệm có "tác động" đến sức khỏe và môi trường, đồng thời cam kết sẽ chấn chỉnh lại quy trình bồi thường.
Ông Hollande cũng bày tỏ sự trân trọng đối với những đóng góp của quần đảo, nói rằng nếu không có các cuộc thử nghiệm thì "Pháp sẽ không có vũ khí hạt nhân và do đó sẽ không có biện pháp răn đe hạt nhân".
Polynesia thuộc Pháp, với dân số khoảng 300.000 người, là một trong ba lãnh thổ của Pháp ở Thái Bình Dương.