Vaccine ở đâu?
Quỳnh Thư
(KTSG Online) - Hôm thứ Hai tuần này, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường đã ký quyết định phê duyệt có điều kiện việc sử dụng vaccine Spikevac, được biết nhiều hơn với tên gọi Moderna. Đây là vaccine thứ năm được chấp thuận nhằm chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, sau AstraZeneca (Anh - Thụy Điển), Spunik V (Nga), Pfizer-BioNTech (Mỹ - Đức) và Vero Cell (Trung Quốc).
Ở Mỹ, một liều Moderna có giá từ 25-30 đô la Mỹ, đắt hơn so với nhiều vaccine khác. Tuy nhiên, vaccine này có một lợi thế là không cần bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh, giúp quá trình sử dụng dễ dàng hơn.
Đề nghị phê duyệt vaccine Moderna đến từ một công ty dược. Điều này cho thấy có thể những bước chuẩn bị cho việc tiêm vaccine chống Covid-19 theo yêu cầu người tiêm đang được thực hiện dù hiện nay thông tin về thời gian cụ thể còn rất ít.
Tại Việt Nam, sau những thành công bước đầu đẩy lùi đại dịch nhờ vaccine ở một số quốc gia như Israel, Mỹ và một số nước châu Âu, nhất là đợt bùng phát mới nhất tại nhiều địa phương như TPHCM, vaccine đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của mọi người, từ quan chức cấp cao đến người dân bình thường. Giờ đây, mọi người hiểu rằng để có thể trở lại cuộc sống bình thường thì vũ khí duy nhất giúp chống lại con virus biến hóa khôn lường này không gì khác hơn là vaccine.
Nhưng, vấn đề là đào đâu ra vaccine trong tình cảnh khắp thế giới ai cũng muốn nó trong khi nguồn cung vô cùng hạn chế, đặc biệt đối với các vaccine được cho là hiệu quả nhất.
Cho đến nay, công nghệ sản xuất vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp nhận vẫn nằm trong tay một vài quốc gia. Sau những chệch choạc bước đầu, việc tiêm chủng ở các nước này đã trở nên suôn sẻ hơn và tại một số thời điểm lượng vaccine họ nắm giữ trở nên dư thừa. Họ cũng ý thức rằng chỉ một nước hay một khu vực được tiêm chủng hoàn toàn không thể trả lại cho thế giới tình trạng thông thương như trước đây, mà điều đó chỉ có thể trở thành hiện thực nếu mọi quốc gia, mọi người được tiêm chủng với các vaccine hiệu quả. Vì vậy, một số nước nắm giữ công nghệ vaccine Covid-19 đã cam kết cung cấp thêm vaccine cho phần nghèo hơn của thế giới.
Nước Mỹ chẳng hạn, trong chuyến công du đến châu Âu hạ tuần tháng trước, Tổng thống Mỹ tuyên bố nước này sẽ tặng thêm 500 triệu liều vaccine cho khoảng 100 quốc gia nghèo. Thông tin tặng nửa tỉ liều vaccine trị giá 3,5 tỉ đô la Mỹ tiếp nối việc Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch phân phối 80 triệu liều vaccine dư thừa của họ cho một số nước, cũng là số lượng vaccine lớn nhất một nước chia sẻ với các nước khác(1). Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng đã nêu rõ quan điểm Mỹ sẵn sàng từ bỏ bản quyền sáng chế vaccine Covid-19 để các mũi tiêm có thể đến được với nhiều người hơn, giúp các quốc gia khác thoát dịch và cũng giúp chính mình.
Chúng ta cũng không quá ngây thơ để không hiểu rằng đằng sau sự phân phối vaccine Covid-19 của những cường quốc hàng đầu không thể không có những toan tính gây ảnh hưởng lên các quốc gia nhận vaccine dù điều này luôn bị phủ nhận.
Việt Nam cũng đã công bố một kế hoạch tham vọng có được 150 triệu liều vaccine Covid-19 ngay trong năm 2021, bao gồm những vaccine được xem là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trước tình trạng số ca nhiễm tăng lên hàng ngày tại một số địa phương và những điểm phong tỏa mọc lên tiếp theo nhau ngày càng nhiều ngay nơi mình đang sống, nhiều người không khỏi tự hỏi vaccine trong các kế hoạch này đang ở đâu.
Trước hết, nên lưu ý rằng có vaccine hay không lại không phụ thuộc vào mong muốn của chúng ta. Như lời Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn nói trong một phỏng vấn đầu tháng 6, “hiện nay, nguồn cung vaccine trên toàn cầu vẫn rất hạn chế”(2). Theo ông, không thể chắc chắn số lượng cụ thể vaccine cung cấp cho Việt Nam từ các đối tác nước ngoài vì họ cũng không khẳng định sẽ cung cấp đúng theo số lượng Việt Nam đề nghị bởi lẽ, theo họ, việc này phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới.
Trong buổi họp báo về phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào đầu tháng trước, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết Việt Nam “cơ bản đã tiếp cận việc nhập khẩu 150 triệu liều vaccine Covid-19”. Tuy nhiên, theo ông, Việt Nam vẫn phải chấp nhận việc giao hàng không đúng tiến độ(3). Cho đến thời điểm đó, vì được xem là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt, Việt Nam không nằm trong danh sách ưu tiên nhận vaccine. “Có trường hợp nhà phân phối chấp nhận chuyển hàng cho chúng ta, nhưng mấy ngày trước khi chuyển hàng họ lại chuyển cho Lào, Campuchia [nơi tình hình cấp thiết hơn] nên chúng ta chỉ được nhận một nửa số lượng vaccine. Nhưng phải chấp nhận do việc cung ứng phục thuộc vào tình hình dịch bệnh ở các quốc gia”, ông Cường nói. Cộng với lý do nêu ở đoạn trên, tình trạng “nói vậy mà không phải vậy” rất dễ xảy ra.
Không rõ trong tình hình hiện nay với các diễn biến mới nhất của dịch bệnh, Việt Nam có được ưu tiên cung cấp vaccine hay không, nhưng rõ ràng chúng ta chưa tự quyết định được việc mình có được bao nhiêu vaccine và khi nào có được chúng.
Làm sao có được vaccine Covid-19 và các vaccine khác về lâu dài?
Đầu tháng 5 năm nay, vnexpress.net dẫn nguồn Wall Street Journal và Bloomberg cho biết BioNTech đã quyết định thiết lập dây chuyền sản xuất vaccine với công nghệ mARN tiên tiến tại Singapore(4). Đây là đối tác Đức của công ty Mỹ Pfizer đang cùng sản xuất vaccine Pfizer-BioNTech được xem là một trong những vaccine hiệu quả hàng đầu thế giới. Việc xây dựng dây chuyền sẽ diễn ra ngay trong năm nay để có thể hoạt động trong năm 2023. Theo công ty này, đây là cơ sở nhằm có thể phản ứng nhanh với các đại dịch khác trong tương lai. Được biết, đây là lần đầu tiên BioNTech xây nhà máy ngoài nước Đức.
Singapore cũng đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên cấp phép tiêm phòng Covid-19 bằng vaccine Pfizer-BioNTech và tiếp nhận lô vaccine đầu tiên cho khu vực vào tháng 12 năm ngoái.
Bước đi đúng hướng này của Singapore không hề là ngẫu nhiên. Trên thực tế, trong hoạch định chiến lược vaccine Covid-19, giới lãnh đạo Singapore không chỉ mua vaccine mà có tầm nhìn xa hơn khi thuyết phục thành công BioNTech mang dây chuyền sản xuất sang nước họ. Trong một phát biểu cuối năm 2020, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore đã âm thầm làm việc với hàng trăm đối tác từ những ngày đầu đại dịch để có thể tiếp cận được vaccine trong thời gian sớm nhất. Ông Lý tiết lộ Singapore đã tìm hiểu công nghệ và xác định các ứng viên sáng giá, Chính phủ Singapore đã trả hơn một tỉ đô la Mỹ đặt mua trước vaccine.
Theo bài báo trên vnexpress.net, BioNTech đã “chọn mặt” Singapore để “gửi vàng” vì nước này đã xây dựng được nền tảng lý tưởng cho việc phát triển công nghệ y sinh cộng với vị thế cầu nối sáng tạo toàn cầu, nguồn nhân tài và môi trường kinh doanh thích hợp. Phải nói rằng đây là kết quả của một quá trình lâu dài việc Singapore đưa công nghệ sinh học thành một mũi nhọn phát triển nhằm tập trung nguồn lực và khuyến khích đầu tư.
Ở Việt Nam, công nghệ sinh học cũng đã được xác định là một mũi nhọn trong các nghị quyết phát triển kinh tế, nhưng trên thực tế điều này đã được thực hiện đến đâu vẫn còn phải bàn nhiều.
Còn trước mắt, tự chủ về vaccine chống Covid-19 tại Việt Nam là một chủ trương không cần bàn cãi. Thậm chí, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra mốc thời gian rõ ràng: “giữa năm 2022”.
Đây là mốc thời gian các nhà khoa học và các công ty liên quan ở Việt Nam phải phấn đấu đạt được trước hết vì sự an nguy của đồng bào mình. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng vaccine hiện đại đòi hỏi công nghệ, quy trình và cơ sở vật chất tiên tiến hết sức phức tạp, trong đó tiêu chí hàng đầu là an toàn của người được tiêm. Chính vì thế, Bộ Y tế đã nói không với đề nghị cấp phép khẩn cấp vaccine NanoCovax của công ty trong nước Nanogen vì “chưa đầy đủ các dữ liệu về mặt khoa học”(5). Theo người viết, đây là một quyết định đúng vì nếu bất trắc xảy ra, một mình Nanogen khó lòng gánh nổi trách nhiệm.
Về lâu về dài, có lẽ cũng nên định ra hướng đi đúng cho vaccine tại Việt Nam, đó là “tự lực cánh sinh” hay “đứng trên vai người khổng lồ”. Không phải ngẫu nhiên một nước với tiềm lực công nghệ sinh học thuộc vào hàng tốt nhất trong khu vực như Singapore đã chọn cách thứ hai.
Hiện giờ, mối quan tâm lớn nhất của người dân là làm sao có được vaccine hiệu quả, bất kể từ nguồn nào. Tuy nhiên, đối với các nhà hoạch định chính sách, hai lựa chọn nêu trên và cách thực hiện lựa chọn đó phải là điều họ quan tâm để bảo vệ sức khỏe cho đồng bào mình.
----------------
(1)https://vnexpress.net/nuoc-giau-chia-se-vaccine-nhu-muoi-bo-be-4293111.html
(2)https://www.sggp.org.vn/cuoi-nam-viet-nam-se-co-khoang-150-trieu-lieu-vaccine-covid19-737218.html
(3)https://www.thesaigontimes.vn/317025/31-trieu-lieu-vaccine-covid-19-cua-pfizer-se-ve-viet-nam-tu-qui-3.html
(4)https://vnexpress.net/ly-do-singapore-duoc-chon-san-xuat-vaccine-covid-19-pfizer-4292053.html
(5)https://trithucvn.org/tin-tuc-vn/thoi-su/bo-y-te-nanogen-xin-cap-phep-khan-cap-vac-xin-nanocovax-la-qua-som-va-nong-voi.html
Xem thêm: lmth.uad-o-eniccav/679713/nv.semitnogiaseht.www