Khoảng cách giàu nghèo nới rộng theo bong bóng bất động sản
Lê Linh
(KTSG Online) – Giá nhà đang tăng bùng nổ khắp mọi nơi từ Mỹ cho đến Anh và Trung Quốc. Mức định giá nhà toàn cầu tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2006, theo Công ty tư vấn bất động sản Knight Frank. Cơn sốt nhà giữa đại dịch Covid-19 làm dấy lên lo ngại bóng bóng nhà đất sẽ phình to và bùng vỡ, gây tổn thương cho các nền kinh tế và hộ gia đình cũng như nới rộng khoảng cách thế hệ khi giá nhà ngày càng vượt xa tầm tay lớp người trẻ, những người có mức lương còn thấp.
Theo các nhà phân tích, cơn sốt giá nhà trên toàn cầu không chỉ kéo theo rủi ro bong bóng bất động sản mà còn khoét sâu thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các thế hệ, giữa người giàu và người nghèo. Ảnh minh họa: Reuters |
Giá nhà sốt hầm hập
Mỹ là một trong những thị trường đang chứng kiến cuộc săn lùng mua nhà quyết liệt ở vùng ngoại ô khi nhiều người dân ở các trung tâm thành phố muốn một sống và làm việc từ xa trong một không gian thông thoáng hơn trong thời kỳ dịch bệnh.
Theo dữ liệu công bố hôm 30-6, chỉ số giá nhà ở quốc gia S&P Case-Shiller trong tháng 4 tăng 14,6%, mức tăng mạnh nhất trong 30 năm qua do nguồn cung thiếu và nhu cầu mạnh mẽ.
Tại Anh, việc mua một căn nhà hiện nay là một cuộc chạy đua đấu giá rất căng thẳng. Theo Công ty môi giới Hamptons International, khoảng 25% nhà ở Anh bán được chỉ trong một tuần sau khi rao bán, thậm chí trước khi thông tin bán nhà được lên các sàn giao dịch bất động sản trực tuyến.
Tại Úc, môt căn nhà gần như bị chủ để hoang, không có bếp, nhà vệ sinh và điện, nằm cách trung tâm thành phố Sydney 7 km, bán được với giá 4,7 triệu đô la Úc sau cuộc đấu giá quyết liệt. Mức tăng giá nhà ở Sydney trong quí vừa qua là cao nhất trong hơn 30 năm.
Ngược lại xu hướng chuộng nhà ngoại ô ở phương Tây, tại Trung Quốc, người dân đổ xô mua nhà ở các thành phố lớn, nơi có các công việc tốt và trường học chất lượng. Trong 5 tháng đầu năm 2021, giá nhà ở các thành phố này tăng 10,8% dù giới chức trách phát động chiến dịch chống đầu cơ và bít các lỗ hổng chẳng hạn như ly hôn giả để lách quy định hạn chế số bất động sản mà mỗi gia đình có thể sở hữu.
Tại trung tâm công nghệ Thâm Quyến, hiện nay, một căn hộ có giá tương đương 43,5 lần mức thu nhập trung bình hàng năm của người dân địa phương.
Người mua nhà tham gia cuộc đấu giá một căn nhà ở Paddington, Sydney, Úc hồi tháng 2. Ảnh: Bloomberg |
Hai mối lo ngại khi thị trường quá nóng
Trước hết, cần phải nhìn nhận rằng sức mạnh nhu cầu trên thị trường nhà là điều tích cực và chính phủ các nước như Anh, Hà Lan và một số bang ở Úc khuyến khích người dân mua nhà bằng cách giảm thuế cho họ trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế.
Luiz de Mello, trưởng nhóm nghiên cứu nhà ở tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng vào thời điểm tái cấu trúc kinh tế đang diễn ra, nếu nhu cầu mua nhà yếu, điều này có thể cản trở tiến trình phục hồi ở thời kỳ hậu Covid-19.
Nhưng thị trường nhà quá nóng sẽ gây ra hai mối lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách. Thứ nhất, giá nhà có thể lao vào vòng xoáy suy giảm một khi bóng bóng hình thành và nổ tung, gây tổn thương cho các nền kinh tế và các hộ gia đình. Cho dù không xảy ra cú sụp đổ ngay, các khoản vay thế chấp lớn có thể khiến người vay tiền mua nhà dễ tổn thương nếu lãi suất tăng trở lại và không nhiều thu nhập khả dụng để chi tiêu cũng như có thể nghỉ hưu trong nợ nần.
Thứ hai, cơ hội sở hữu nhà có thể trở nên xa vời hơn đối với những người trẻ và tầng lớp công nhân, những người vốn đã không đủ tiền mua nhà ở nhiều khu vực trước đại dịch Covid-19. Điều này sẽ khoét sâu thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các thế hệ, giữa người giàu và người nghèo.
James Pomeroy, nhà kinh tế ở Ngân hàng HSBC, cho rằng giá nhà tăng mạnh là thách thức khổng lồ đối với sự ổn định tài chính đồng thời gây ra vấn đề kinh tế xã hội lớn.
Ông nói: “Mọi năm, giá nhà lại tăng thêm, làm nới rộng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, người già và người trẻ”. Ông cho biết “bài toán bất động sản giá rẻ” đang trở nên tồi tệ hơn trong năm qua vì lớp trẻ thất nghiệp và bị gián đoạn học hành, có thể ảnh hưởng đế thu nhập của họ sau này.
Các dữ liệu về thị trường nhà đất đang thu hút sự chú ý của các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Trong tuần qua, Eric Rosengren, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ Boston, một chi nhánh của Fed, nói rằng Mỹ sẽ không đủ sức chịu đựng “một chu kỳ bùng nổ và đổ vỡ” trên thị trường nhà hiện nay vì điều này sẽ đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính.
Các quan chức khác của Fed, bao gồm Chủ tịch Ngân hàng dự trữ Dallas, Robert Kaplan hối thúc Fed đánh giá lại chương trình hỗ trợ thị trường nhà thông qua việc mua 40 tỉ đô la chứng khoán thế chấp bất động sản theo định kỳ hàng tháng.
Nhà cửa đang được xây dựng ở một khu dân cư Cadence Park ở Irvine, bang California, Mỹ. Ảnh: Bloomberg |
Kỳ vọng thị trường sẽ tự hạ nhiệt, chứ không sụp đổ?
Báo cáo của Knight Frank nhận định với 12 nước trên thế giới chứng kiến giá nhà tăng ở tốc độ hai con số trong quí 1-2021, không có gì ngạc nhiên khi các bàn luận về bong bóng nhà đất do tác động của đại dịch Covid-19 đang tăng lên.
Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận một số chính phủ đang giới thiệu các biện pháp hạ nhiệt thị trường nhà. Báo cáo cho biết: “Kể từ tháng 1-2021, giới chức trách ở Trung Quốc, New Zealand và Ireland đã can thiện vào thị trường nhà bằng một loạt biện pháp từ thắt chặt cho vay cho đến tăng thuế chuyển nhượng đối với người mua bán nhiều lần”
Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho rằng: “Tình trạng tách rời giữa giá nhà và diễn biến kinh tế nói chung trong thời kỳ dịch bệnh sẽ dẫn đến rủi ro giá điều chỉnh”. Bà kêu gọi triển khai các chính sách vĩ mô thận trọng, chẳng hạn giới hạn tổng mức cho vay thế mua nhà của quốc gia. Tuy nhiên, bà nói hiện tại, không có dấu hiệu mạnh mẽ của bong bóng nhà ở do nới lỏng tín dụng ở khu vực sử dụng đồng euro (eurozone).
Một số nước kỳ vọng thị trường sẽ tự hạ nhiệt, chứ không sụp đổ vì cho rằng các tiêu chuẩn cho vay mua nhà hiện nay đã cao hơn rất nhiều so với thời kỳ trước cuộc khủng hoảng nhà đất ở Mỹ vào năm 2008. Hơn nữa, các mức lãi suất thấp hiện tại sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa , vì vậy không có nguy cơ rõ ràng cho một cú sụp đổ trên thị trường bất động sản. Phần lớn hoạt động mua nhà hiện nay được thúc đẩy bởi những người có nhu cầu mua để ở thực sự và họ thường sẽ không đua nhau bán báo giống như các nhà đầu tư nếu giá nhà bắt đầu giảm.
Theo Bloomberg, Financial Times
Xem thêm: lmth.-nas-gnod-tab-gnob-gnob-oeht-gnor-ion-oehgn-uaig-hcac-gnaohk/379713/nv.semitnogiaseht.www